Quy định công trình cao hơn 100m phải có bãi đỗ trực thăng: Băn khoăn về tính khả thi
Kinh tế - Ngày đăng : 07:37, 23/09/2016
Điều kiện để sử dụng trực thăng
Thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho thấy, thành phố có 218 công trình cao từ 15 tầng trở lên. Trong giai đoạn 2012-2015 đã xảy ra 34 vụ cháy chung cư, nhà cao tầng. Những vụ hỏa hoạn trên tuy không gây ra thiệt hại lớn nhưng đã bộc lộ rõ những hạn chế trong việc chữa cháy tại các công trình cao tầng.
Bitexco (giữa) - tòa nhà cao hơn 100m duy nhất tại TP Hồ Chí Minh có sân đỗ trực thăng. |
Để khắc phục hạn chế, mới đây tại hội nghị bảo đảm an toàn PCCC đối với các công trình nhà ở chung cư trên địa bàn thành phố, Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh kiến nghị thành phố cần bổ sung quy định “chung cư, công trình cao trên 100m phải có sân đỗ trực thăng” để phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, các công trình cao tầng cũng phải xây tầng lánh nạn để đề phòng bất trắc.
Phân tích kỹ hơn, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC thành phố cho biết, theo Thông tư 60 của Bộ Công an thì đối với 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khi đủ điều kiện cần và đủ (hạ tầng, sân đỗ, nhân lực,…) thì sẽ trang bị trực thăng chữa cháy. “Việc sử dụng trực thăng cứu hộ là rất cần thiết trong việc chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ở các tòa nhà cao tầng” - Đại tá Bửu cho biết.
Đồng thuận với kiến nghị của Cảnh sát PCCC thành phố, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, thực tế thành phố đã trang bị nhiều loại phương tiện hiện đại phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhưng theo lý thuyết chỉ vươn đến tầng 18, thậm chí còn thấp hơn do nhiều yếu tố tác động. Ông Châu cũng cho rằng, trong quy hoạch xây dựng hiện chưa tính đến sân đỗ cho trực thăng trên nóc nhà và dưới mặt đất. Do vậy, cần nhanh chóng đưa phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên không vào sử dụng, trong đó nhất thiết các công trình cao tầng phải được xây dựng sân đỗ trực thăng.
Ngoài ra, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, cần cho phép Cảnh sát PCCC Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được quyền thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với các dự án công trình có chiều cao từ 100m trở lên, hiện do Cục PCCC, Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) đảm nhiệm. Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng kiến nghị bổ sung quy định nhà cao tầng phải có sân đỗ trực thăng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là cần thiết trong tiến trình phát triển của thành phố. Thành phố sẽ tiến hành xem xét thấu đáo việc mua sắm trực thăng trên cơ sở tham mưu của Cảnh sát PCCC.
Nhiều vấn đề phải lưu ý
Dẫu vậy, kiến nghị trên của Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh vẫn khiến không ít chuyên gia băn khoăn. TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 33 công trình cao tầng trên 100m đã và sẽ được đưa vào sử dụng, trong đó chỉ duy nhất tòa nhà Bitexco có sân đỗ trực thăng. Toàn thành phố có tất cả 6 công trình, gồm cả những tòa nhà dưới 100m, được thiết kế xây dựng sân đỗ.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về quy hoạch hạ tầng đô thị, đối với các công trình cao tầng, khói lửa của đám cháy có hướng bốc lên trên, tập trung nhiều nhất ở khu vực sân đỗ trên nóc nhà. Tại các công trình cao tầng, kỹ năng thoát hiểm đều là hướng dẫn người bị mắc kẹt trong đám cháy xuống dưới chứ không hướng dẫn đi lên trên. Cùng với đó, hiệu quả cứu nạn, cứu hộ trong đám cháy không cao do khói tỏa ra gây nguy hiểm cho trực thăng, khiến cho phương tiện này khó tiếp cận được với sân đỗ, chưa kể đến tác động của thời tiết.
Theo một kỹ sư thiết kế công trình xây dựng, để thiết kế sân đỗ trên nhà cao tầng thật ra không khó, chỉ cần 2 điều kiện là khả năng chịu tải trọng của trực thăng và không gian thoáng. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có quy định cụ thể về sân đỗ máy bay trực thăng, nên khi đưa sân đỗ vào công trình thì phải lấy theo nhiệm vụ thiết kế. Được biết, thông thường, hoạt tải đối với sân đỗ máy bay trực thăng cao tầng hiện nay được lấy theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Hàng không Hoa Kỳ.
Có thể nói quy định các công trình cao hơn 100m phải có bãi đỗ trực thăng của Sở PCCC TP Hồ Chí Minh đưa ra là đúng đắn, phù hợp với sự phát triển hiện nay của thành phố. Tuy vậy, để quy định có tính khả thi, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng mọi yếu tố để thích hợp với điều kiện thực tế.