Nỗ lực hết sức vì sức khỏe của người dân
Chính trị - Ngày đăng : 20:55, 23/09/2016
Sau hơn 3 năm thực hiện Kết luận số 56-KL/TƯ của Bộ Chính trị, Chương trình số 24 của Thành ủy, Kế hoạch số 175 và 127 của UBND thành phố, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước của các cấp chính quyền đối với kinh tế tập thể được tăng cường. Các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị ủy, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng thành phố đã chỉ đạo, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện, quan tâm hơn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của HTX. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế, hoạt động của HTX nhìn chung ổn định, có chuyển biến tích cực. Từ năm 2013 đến nay, có 120 HTX, 292 tổ hợp tác được thành lập mới. Tính đến 30-6-2016, thành phố có 850 tổ hợp tác, 1.688 HTX, trong đó 1447 HTX đang hoạt động…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, Hà Nội đã nghiêm túc triển khai thực hiện Kết luận số 56-KL/TƯ của Bộ Chính trị, với 3/8 chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy, 1 nghị quyết chuyên đề liên quan trực tiếp đến các giải pháp thực hiện Kết luận số 56-KL/TƯ, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế nông thôn, với sự vào cuộc từ thành phố đến cơ sở. Sắp tới, Hà Nội sẽ sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 56-KL/TƯ, tìm nhân tố mới, chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của Thủ đô. Riêng nhiệm kỳ qua, HĐND thành phố có 3 nghị quyết chuyên đề về cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển HTX nông nghiệp theo Luật HTX 2012, nhiều hoạt động đi sâu giám sát, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn. UBND thành phố ban hành 9 văn bản. Hà Nội hiện có 98% diện tích đất nông nghiệp đã dồn điền đổi thửa; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân liên kết thành lập HTX, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đời sống người dân được cải thiện, sản phẩm sạch được cung cấp nhiều hơn cho thị trường. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về trách nhiệm, vị trí, vai trò của kinh tế tập thể có sự chuyển biến tích cực. Các mô hình HTX kiểu mới đã có nhiều chuyển biến, với phong phú loại hình, phát triển về số lượng. Sau củng cố, HTX đã nâng cao chất lượng hoạt động, mở rộng ngành nghề kinh doanh mới, phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm hộ nghèo, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thành phố, giải quyết việc làm cho nông dân, nâng cao thu nhập của người dân. Phát triển HTX đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự xã hội, củng cố hệ thống chính trị từ thôn, làng. HTX đã đóng góp không nhỏ cải thiện đời sống người dân Thủ đô từ thu nhập trung bình 11 triệu đồng/người /năm (năm 2011) lên 30 triệu đồng/người/năm (năm 2015); 35 triệu đồng/người/năm (theo khảo sát năm 2016 tại Ba Vì và một số huyện khó khăn khác). Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, tuy vậy, so với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, số lượng HTX trên địa bàn còn thấp, còn nhiều tồn tại trong công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp quản lý của các sở, ngành còn bất cập, việc liên kết với HTX, với doanh nghiệp chưa như mong muốn. Đặc biệt, Hà Nội còn tồn tại khó khăn trong giải quyết các HTX nông nghiệp lâu đời do vướng cơ chế. Sau buổi làm việc này, Hà Nội sẽ đưa ra giải pháp khắc phục khó khăn, nhân rộng các điểm sáng, mô hình hiệu quả, phát huy tiềm năng HTX trong kinh tế tập thể, xây dựng nông thôn mới. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, về công tác phối hợp xây dựng chuỗi hàng hóa bảo đảm an toàn từ xuất xứ, lưu thông, phân phối, có kiểm tra thường xuyên; Hà Nội rất hoan nghênh. Bên cạnh đó, thành phố đang tiến hành xây dựng chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm, vùng rau, chăn nuôi an toàn, bảo đảm VSATTP; nỗ lực hết sức vì sức khỏe của người dân…