Tham vấn tâm lý học đường - Đòi hỏi cấp bách từ thực tế

Giáo dục - Ngày đăng : 08:14, 24/09/2016

(HNM) - Dự án xây dựng

Thầy Nguyễn Hùng Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS Vạn Thắng (Ba Vì) chia sẻ về ý nghĩa của phòng tham vấn tâm lý trong trường học.



Xây dựng phòng tham vấn tâm lý cho học sinh là một trong những hoạt động trọng tâm của dự án trong suốt hai năm qua. Thực tế triển khai tại các nhà trường càng minh chứng rõ nét cho vai trò và tầm quan trọng của hoạt động này với học sinh hiện nay. Mô hình phòng tham vấn của Hà Nội cũng đã được lan tỏa tại nhiều địa phương, được Bộ GD-ĐT ghi nhận và đánh giá cao, coi là tiền đề để xây dựng mô hình mẫu nhằm nhân rộng tại các trường học trên cả nước. Với tư cách là một chuyên gia, nhà giáo cùng đồng hành với dự án từ những ngày đầu triển khai, ông Phùng Khắc Bình, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên, Bộ GD-ĐT nhận định: Đây là một mô hình tốt, góp phần không nhỏ trong việc giáo dục học sinh theo định hướng Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đó là xây dựng thế hệ chủ nhân tương lai phát triển toàn diện về phẩm chất, trí tuệ và kỹ năng. Điều cần thiết lúc này để bảo đảm cho phòng tham vấn tâm lý duy trì bền vững và hoạt động hiệu quả là cần có cơ chế, chính sách cho hoạt động, có chức danh cho cán bộ tham vấn với những quy định cụ thể theo vị trí việc làm.

Là một trong số những đơn vị tích cực, nhiều sáng tạo trong hoạt động của dự án - Trường THCS Vạn Thắng, huyện Ba Vì hai năm qua luôn duy trì tốt nhiều hoạt động tham vấn cho học sinh. Với cách tiếp cận riêng, thầy giáo Nguyễn Hùng Tiến, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Học sinh vùng xa thừa thời gian đọc, nhưng thiếu kỹ năng sống. Đôi khi gặp cán bộ lịch sự, người nước ngoài là đã ngại ngùng, không dám giao tiếp. Thông qua tủ sách tại phòng tham vấn, các em được rèn thói quen đọc sách. Các em được khám phá nhiều điều mới mẻ, học hỏi được nhiều kỹ năng cần thiết, từ đó hoàn thiện bản thân theo hướng chủ động và tự tin, tự lập trong cuộc sống hiện đại.

Cô giáo Nguyễn Phương Liên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai chia sẻ: Trong dịp hè vừa qua, phòng tham vấn của trường vẫn duy trì mở cửa đón các em học sinh đến đọc sách, chia sẻ với nhau những tình huống có vấn đề thường gặp trong cuộc sống để cùng bàn luận, đưa ra cách xử trí phù hợp nhất. Nhà trường vừa dành phần kinh phí không nhỏ bổ sung nhiều đầu sách, trong đó tập trung các loại sách liên quan đến chủ đề giáo dục kỹ năng sống. Đây không chỉ là món quà cho học sinh nhà trường nhân dịp đầu năm học mới 2016-2017, mà còn thể hiện sự đồng hành, nỗ lực trong việc duy trì hoạt động phòng tham vấn. Cả cô và trò đều nhận thấy rõ, đã đến lúc không thể thiếu được vị trí của phòng tham vấn tại trường.

“Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” là dự án do Sở GD-ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam triển khai từ tháng 6-2014 đến tháng 11-2016 với sự tài trợ của Quỹ ủy thác của Liên hợp quốc.

Thống Nhất