Những tiếng loa “tra tấn” người dân
Đời sống - Ngày đăng : 06:48, 24/09/2016
Ô nhiễm tiếng ồn từ loa phóng thanh
Hiện nay, nhiều người vẫn sử dụng loa phóng thanh gắn với phương tiện giao thông… để quảng cáo, bán hàng. Những tiếng loa oang oang trên phố đã tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của người dân, ảnh hưởng đến văn minh đô thị. Trong khi nhiều địa phương và các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Tại một số quận nội thành Hà Nội, vào bất kể buổi sáng, trưa hay chiều, tối, chúng ta vẫn dễ bắt gặp những người bán hàng rong sử dụng loa để rao bán hàng. Tiếng loa chát chúa len lỏi khắp các ngõ, phố gây nên tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đô thị. Không dừng lại ở đó, mấy năm gần đây, không ít chủ cửa hàng, cửa hiệu bán quần áo, giày dép, chăn ga gối đệm, thậm chí cả những trung tâm thương mại, siêu thị điện máy, điện thoại di động ở các tuyến phố lớn như Nguyễn Trãi, Chùa Bộc, Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thủy, Láng, Giải Phóng, Phạm Ngọc Thạch… cũng “đua nhau” sử dụng loa phóng thanh mở các loại nhạc nước ngoài hỗn độn để quảng cáo, thu hút khách hàng.
Loa thùng mở hết công suất để quảng cáo sản phẩm khuyến mãi được đặt ngay trên vỉa hè đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. |
Tình trạng này đã gây ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Ở Hà Nội, những cửa hàng có tiếng về việc dùng loa thu hút khách hàng như “Tổng kho chăn đệm” ở số 521 Nguyễn Trãi; cửa hàng FPT Shop số 525 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân; cửa hàng Nhật Cường Mobile Chùa Bộc, Đống Đa… Hằng ngày, những cửa hàng này thường để loa thùng hướng ra mặt đường và mở âm thanh lớn để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm.
Tương tự, vào buổi sáng hoặc tối, trên các tuyến phố ẩm thực, trước các quán cà phê, cửa hàng ăn một số quận của Hà Nội như Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân… còn xuất hiện những nhóm thanh niên sử dụng loa thùng để hát rong, bán hàng kiếm tiền. Những chiếc loa thùng “di động” luôn được mở hết công suất gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân...
Theo tiêu chuẩn về âm học, tiếng ồn, mọi tiếng ồn do hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt… không gây ảnh hưởng tới khu vực công cộng và dân cư. Cụ thể, khu dân cư xen kẽ trong khu vực thương mại, dịch vụ, sản xuất cho phép tiếng ồn được dao động đến 75dB trong thời gian từ 6h đến 18h; dao động 70dB từ 18h đến 22h, và 50dB buổi tối từ 22h đến 6h sáng hôm sau. Việc cố tình gây ra âm thanh lớn quá mức thể hiện sự thiếu ý thức văn minh của tổ chức, cá nhân, vi phạm Luật Môi trường, Luật Quảng cáo và các quy định khác. |
Mới chỉ nhắc nhở là chính
Điều 62, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo: Phạt tiền 1-3 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo bằng loa phóng thanh và hình thức tương tự vượt quá độ ồn cho phép theo quy định; phạt 3-5 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo bằng loa phóng thanh và các hình thức tương tự khác gắn trên phương tiện giao thông và các phương tiện di động tại nội thành, nội thị của các thành phố, thị xã. Tuy nhiên khi được hỏi về việc xử lý các hành vi vi phạm như nêu ở trên, đại diện Phòng Văn hóa - Thông tin một số quận, phường trên địa bàn Hà Nội đều cho rằng rất khó xử lý.
Đại diện Phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông cho hay, để xác định mức độ tiếng ồn to hay nhỏ thì không khó khăn, nhưng việc xác minh mức độ tiếng ồn như thế nào được coi là vượt mức ồn tối đa cho phép tại khu dân cư để xử lý thì không phải là điều dễ dàng. Bởi vì, hiện nay các địa phương chưa có thiết bị đo âm thanh. Và kể cả khi có thiết bị đo cũng khó xử lý loại vi phạm này. Còn ông Bùi Thanh Hải, Phó Chủ tịch phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng thừa nhận trên địa bàn phường vẫn còn tình trạng tổ chức, cá nhân sử dụng loa phóng thanh vượt quá độ ồn cho phép hoặc gắn loa vào các phương tiện giao thông để bán hàng. Song việc xử lý gặp nhiều khó khăn, chủ yếu chỉ tuyên truyền, nhắc nhở là chính. Lý do, hầu hết những người bán hàng rong đưa ra là vì khó khăn, vì cuộc sống nên phải mưu sinh bằng nghề bán hàng dạo. Còn đối với những cửa hàng, cửa hiệu sử dụng loa phóng thanh để quảng cáo, mở nhạc khi chưa được cấp phép, chính quyền cơ sở cũng chỉ tuyên truyền, nhắc nhở, trường hợp tái phạm sẽ lập biên bản xử phạt hành chính. “Để xử lý triệt để các trường hợp sử dụng loa phóng thanh vượt độ ồn cho phép chỉ có cách bố trí lực lượng “cắm chốt” tại điểm vi phạm” - ông Hải cho biết thêm.
Thực trạng các tổ chức, cá nhân sử dụng loa phóng thanh để kinh doanh đã và đang gây ô nhiễm tiếng ồn ở mức báo động trong khu vực nội đô, nội thị, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Nhằm xây dựng bộ mặt đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, đồng thời bảo vệ sức khỏe người dân, đã đến lúc các cơ quan chức năng của thành phố, UBND các quận cần có giải pháp hữu hiệu để xử lý triệt để các trường hợp sử dụng loa phóng thanh gây ô nhiễm tiếng ồn.