Tạo dựng lòng tin vào rau an toàn

Kinh tế - Ngày đăng : 07:16, 24/09/2016

(HNM) - Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT) TP Hà Nội giai đoạn 2009-2015 không những giúp nông dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần quan trọng bảo đảm an toàn thực phẩm, lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng.


Người tiêu dùng chưa tiếp cận được với rau an toàn

Sau 6 năm thực hiện, đề án sản xuất và tiêu thụ RAT đã tác động tích cực làm thay đổi tập quán canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của nông dân ngoại thành Hà Nội. Chi cục BVTV Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất RAT cho nông dân thông qua các hoạt động tập huấn, huấn luyện, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Trong khuôn khổ đề án, Chi cục đã mở 825 lớp tập huấn ngắn hạn về an toàn thực phẩm trong sản xuất RAT cho 66.000 người; triển khai thử nghiệm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc BVTV như che phủ ni lông, nhà lưới trồng rau trái vụ, sử dụng bẫy côn trùng... Từ đầu năm đến nay, Chi cục BVTV Hà Nội đã tham mưu Sở NN&PTNT hướng dẫn UBND các huyện thực hiện ký cam kết sản xuất RAT, kết quả có 15 huyện triển khai ký cam kết với 9.456 hộ trồng rau.



Tuy nhiên, do nhiều khó khăn khác nhau khiến người tiêu dùng chưa tiếp cận được với RAT, còn người sản xuất chưa bán được RAT theo đúng giá trị; có tới hơn 90% RAT của nông dân Hà Nội bán ra thị trường chưa có tem nhãn, nhãn mác gây hiểu lầm cho người tiêu dùng...

Theo thông tin từ Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông sản Chi cục BVTV Hà Nội Lưu Thị Hằng, kết quả phân tích 96 mẫu rau lấy từ 24 cơ sở sản xuất rau trên địa bàn TP Hà Nội trong các tháng 6 và 7 vừa qua cho thấy, 18 cơ sở có 100% số mẫu rau đạt tiêu chuẩn chất lượng, 6 cơ sở còn lại có 7 mẫu rau mang các chỉ số vượt ngưỡng cho phép. Qua các năm lấy mẫu kiểm tra chất lượng rau tại các vùng sản xuất, số mẫu rau vượt ngưỡng an toàn chỉ chiếm khoảng 1%.

Công bố công khai hành vi vi phạm

Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Đông Anh Nguyễn Hồng Tuyển cho biết: Theo quy định, trong lĩnh vực nông nghiệp, chính quyền cấp xã có thể phạt nông dân sản xuất không an toàn, phun thuốc BVTV quá liều lượng hoặc sử dụng thuốc cấm... lên tới 7 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương ngại va chạm, nể nang, nên chưa xử lý được vi phạm… Trước thực trạng này, Chi cục BVTV Hà Nội đã đẩy mạnh việc công bố công khai các hành vi vi phạm trong sản xuất RAT trên các phương tiện thông tin đại chúng, đây được coi là bước làm đầu tiên để người sản xuất và tiêu dùng nắm được thông tin. Ngoài ra, khắc phục những vùng sản xuất chưa tốt, Chi cục BVTV Hà Nội cũng yêu cầu các HTX tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, yêu cầu hộ dân trồng và chăm sóc rau theo đúng quy định...

Một vấn đề nữa làm nhiễu loạn thị trường RAT của Hà Nội thời gian qua là lượng rau từ các tỉnh đổ về chưa được kiểm tra, giám sát chất lượng. Hiện nay, sản lượng rau của Hà Nội đạt gần 600.000 tấn/năm, mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô, còn lại 40% là được cung cấp từ các địa phương khác như: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Lào Cai, Hòa Bình... Qua các đợt lấy mẫu rau tại các chợ đầu mối, kết quả phân tích các loại rau này có dư lượng thuốc BVTV thường cao hơn nhiều lần so với kết quả kiểm tra tại ruộng sản xuất trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc, cùng với việc đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, quản lý diện tích RAT trên địa bàn thành phố, tuyên truyền để người dân tin tưởng sử dụng RAT, Ngành Nông nghiệp đang đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh đưa nông sản sạch về tiêu thụ trong đó có rau xanh. Hà Nội cũng tập trung hoàn thiện khung pháp lý về điều kiện tiêu thụ nông sản khi đưa vào Thủ đô. Áp dụng tốt điều này sẽ chặn được các kẽ hở trong quản lý nông sản an toàn nói chung và RAT nói riêng...

Bạch Thanh