Hà Nội nhất toàn đoàn Giải Cầu lông Yonex 2016
Thể thao - Ngày đăng : 10:25, 25/09/2016
Cầu lông Hà Nội đi vào lịch sử khi lần đầu tiên sau 36 năm giành giải nhất toàn đoàn với 2 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ. Bắc Giang nhì toàn đoàn với 2 HCV, 1 HCĐ. TP Hồ Chí Minh xếp ba toàn đoàn với 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ.
Đoàn VĐV Hà Nội xuất sắc xếp hạng nhất toàn đoàn tại giải |
Giải vô địch Cầu lông cá nhân toàn quốc năm tranh giải Yonex-Sunrise năm 2016 có sự góp mặt của 68 VĐV nam, 48 VĐV nữ thuộc 20 tỉnh, thành, ngành, bao gồm Bắc Giang, Bắc Ninh, Bộ Công an, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Điện Biên, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Lâm Đồng, Quân Đội, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sơn La, Thanh Hóa, Thái Bình, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh. Tổng giá trị giải thưởng lên tới 8.000 USD, trong đó HCV đơn nam 1.100 USD, HCV đơn nữ 800 USD, HCV đôi nam, đôi nữ, đôi nam - nữ 600 USD/giải…
Đoàn Hà Nội dự giải gồm 14 VĐV, do HLV trưởng Dương Thị Liên và HLV Trần Đức Dương phụ trách. Trong số đó có nhiều tay vợt trẻ tên tuổi như Đỗ Tuấn Đức, Phạm Hồng Nam, Đào Mạnh Thắng, Lê Hà Anh, Phạm Như Thảo… Đoàn TP Hồ Chí Minh có sự góp mặt của tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh, các tay vợt trẻ xuất sắc như Phạm Cao Cường, Nguyễn Hoàng Nam. Đoàn Bắc Giang, các tay vợt Vũ Thị Trang, Nguyễn Thị Sen cũng được coi là ứng viên sáng giá của các nội dung thi đấu dành cho nữ… Việc Hà Nội giành được ngôi vị nhất toàn đoàn thực sự rất xuất sắc.
Theo Chủ nhiệm CLB Cầu lông Hà Nội Dương Thị Liên, chiến tích của cầu lông Hà Nội có được là hoàn toàn trong dự tính, sau quá trình đào tạo bền bỉ suốt gần 20 năm qua của Hà Nội, từ việc tổ chức đi tập huấn dài hạn tại Trung Quốc, tạo điều kiện cho các VĐV thường xuyên đi thi đấu nước ngoài, giúp cầu lông Hà Nội có được đội ngũ hùng hậu và có trình độ. Đơn cử như cặp VĐV Tuấn Đức và Như Thảo, dù Đức bị chấn thương lưng vẫn không có đối thủ ở Giải đấu cấp quốc gia này, giành ngôi vô địch nội dung đôi nam – nữ một cách thuyết phục.
Đáng lưu ý, ở giải này, nội dung đôi nam đã có biến chuyển đặc biệt khi Cao Cường thắng tay vợt đẳng cấp thế giới Tiến Minh. Nhiều ý kiến cho rằng Tiến Minh đã “thả” cho đồng đội cùng đơn vị ở nội dung này, nhưng nhận xét về chuyên môn, bà Liên đánh giá: “Cao Cường đánh ổn định, sức mạnh đeo bám tốt. Trong khi đó, Tiến Minh di chuyển chậm, không còn sức mạnh và sự linh hoạt như trước đây. Tôi nghĩ Cao Cường có sức mạnh tốt nhờ sự kiên trì tập luyện, có ý chí trong thi đấu vì em phải tự bươn trải tập luyện một mình tại Indonesia trong mấy năm lại đây. Cường có sự động viên rất lớn từ phía gia đình, đôi lúc em mệt mỏi không muốn tập huấn tại indo nhưng gia đình em đã động viên và em lại cố gắng. Thực tế về năng lực Cường không bằng Tiến Minh, cầu của Cường đơn giản không lắt léo, nhưng bù lại, rất có uy lực và hiệu quả cao. Ngoài Cao Cường của TP Hồ Chí Minh còn phải kể đến Lê Đức Phát (Quân Đội), mới 18 tuổi nhưng chơi khá hay”.
“Tôi nghĩ cùng với các VĐV Hà Nội, cầu lông Việt Nam hiện đang có nhiều VĐV có thể tiếp nối Tiến Minh nhưng cần định hướng rõ trong đầu tư và chế độ đãi ngộ” – Bà Dương Thị Liên nhấn mạnh./.