Xe cồng kềnh trên phố: Sự cảm thông hay dung túng vi phạm?
Giao thông - Ngày đăng : 09:54, 25/09/2016
Vụ tai nạn là lời cảnh tỉnh cho xã hội khi thực trạng xe xích lô ba gác, xe ba bánh chở hàng cồng kềnh ngông nghênh trên phố.
Vì người nghèo làm thuê
Có ai không cảm thấy đau đớn, xót xa khi chứng kiến vụ tai nạn xảy ra với em bé 9 tuổi trên phố Tân Mai? Có ai không phẫn nộ trước hình ảnh hiện trường, trước những thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về vụ việc?
Xe chở hàng cồng kềnh trên phố luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Ảnh: Chí Cường |
Một sự mất mát không bù đắp nổi vì sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông. Liệu có còn ai ủng hộ cho việc làm của người chở tôn để lý giải cho vi phạm vì mưu sinh không? Chắc chắn là không.
Vụ việc khiến người ta giật mình nhìn lại, hình ảnh những chiếc xe thô sơ, xe ba bánh chở hàng cồng kềnh không che chắn vẫn nghênh ngang trên đường phố Hà Nội, xuất hiện nhan nhản khắp nơi. Chỉ một chiếc xe đạp cũng biến thành xe chở sắt dài lòng thòng với những đầu nhọn tạt bên này, tạt bên kia giữa dòng người đông đúc.
May ra họ cảnh báo nguy hiểm bằng chiếc túi nilon vung vẩy đoạn cuối hay đầu thanh sắt. Trường hợp khác, xe đạp chở tấm biển quảng cáo mà người đi đường chỉ nhìn thấy một tấm quảng cáo di động, không thấy người điều khiển. Có khi, xe ba bánh chở những tấm kính sắc lẹm, phơi ra giữa đường phố tấp nập người qua lại.
Chẳng may có va chạm, chẳng may một sơ sẩy nào đó như em bé 9 tuổi kia thì những vật liệu dùng để xây dựng nhà cửa, kinh doanh ấy sẽ biến thành thứ hung khí giết người ngay tức khắc. Ấy thế nhưng, dư luận đã ứng xử như thế nào với vi phạm như thế?
Trò chuyện với một cán bộ Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội, anh tâm sự rằng, anh rất khó xử với thái độ của người dân khi thực thi nhiệm vụ. Đã vi phạm giao thông thì phải xử phạt. Thế nhưng, khi xử phạt những người chở hàng cồng kềnh, nhiều người dân có cái nhìn ác cảm với CSGT. Thậm chí một số người đi ngang qua còn lên tiếng “xin” cho người vi phạm: “Ông ấy nghèo, chở thuê lấy ít tiền thôi, đừng phạt mà tội người ta”.
Dù là xe thô sơ cũng phải xử lý nghiêm
Cũng có lần, tôi chứng kiến Cảnh sát trật tự Công an phường đi xử lý người bán hàng rong trên phố. Giữa con phố đông xe qua lại, gánh hàng của người phụ nữ lủng lẳng choán một phần lối đi của xe máy. Người đi xe máy phải vòng qua rồi vượt lên chị bán hàng rong.
Khi bị đưa hàng lên xe Cảnh sát chở về phường xử phạt, người dân xúm lại, nói đỡ: “Chị ấy vừa đến đây”, “chị ấy chưa bán được tí hàng nào”… Và người ta mách cho những chị hàng rong khác chạy vào các con ngõ để trốn bị xử lý. Nhìn hình ảnh đấy, tôi thấy thương cho người bán hàng phải vất vả mưu sinh.
Tôi cũng liên tưởng họ có những đứa con ở quê đang ngóng mẹ mang tiền về nuôi ăn học. Các con họ có hiểu mẹ mình đang phải làm những gì để mưu sinh nơi thành phố đông đúc không? Thế nhưng, tôi cũng thấy cảm thông với các chiến sỹ Cảnh sát. Các anh làm vì nhiệm vụ, giữ gìn trật tự an toàn xã hội nhưng lại phải chịu sự đánh giá đầy ác cảm của người dân.
Hiện trường vụ tai nạn ngày 23-9 tại phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Tuyến Phan |
Chắc chắn các anh Cảnh sát không muốn túm những gánh hàng rong lên xe, và họ cũng không muốn dừng chiếc xe đạp chở cồng kềnh mà chủ nhân nó đang còng lưng, vã mồ hôi ra đẩy. Nếu anh CSGT, Cảnh sát trật tự không xử lý vi phạm thì trật tự xã hội sẽ không được duy trì, mạnh ai nấy làm.
Còn khi xử lý, một bộ phận người dân sẽ đánh giá và ghét bỏ. Nhưng, không thể lý giải cho hành vi “tôi nghèo nên tôi mới làm thế”. Sống trong một xã hội phải tuân thủ pháp luật, mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật, người nghèo hay người giầu cũng thế.
Trở lại vụ tai nạn trên phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội vào ngày 23-9. Được biết hiện Công an quận Hoàng Mai đã tạm giữ người điều khiển xe xích lô chở tôn đỗ bên đường gây tai nạn. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đã chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm vụ việc này.
Hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của người chở tấm tôn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Luật sư Phạm Quốc Triệu, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của Điều 202 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009: “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm”.