Giải vô địch Đấu kiếm quốc gia 2016: Vẫn thưa vắng đội tham dự?
Thể thao - Ngày đăng : 07:02, 26/09/2016
Ảnh: Dũng Phương |
Sáu đội dự giải vẫn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Bình Phước. Trong số này, Hà Nội là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam khởi xướng phát triển môn đấu kiếm. Hơn 20 năm phát triển bền bỉ, đấu kiếm Hà Nội vẫn giữ được vị thế hàng đầu dù gặp không ít khó khăn, nhất là trong những năm gần đây khi kinh phí đầu tư cho bộ môn ngày càng giảm. Dù vậy, thành tích quốc tế của các kiếm thủ Hà Nội lại đang thăng tiến, rõ nhất là việc cả 4 VĐV đấu kiếm Việt Nam giành vé dự Olympic 2016 vừa qua đều là VĐV Hà Nội. Cũng tại Olympic 2016, các kiếm thủ Hà Nội gây ấn tượng mạnh với chiến thắng trước các tay kiếm hàng đầu thế giới ở vòng đấu đầu tiên. Có được thành công như vậy là nhờ quá trình đầu tư liên tục cho VĐV trọng điểm trong 5 năm qua của đấu kiếm Hà Nội. Những chuyến tập huấn cùng việc tham dự các giải quốc tế trong một năm, mời chuyên gia nước ngoài hàng đầu thế giới về huấn luyện đã giúp các kiếm thủ Hà Nội tiến xa. Đấu kiếm Hà Nội phải dồn vào đó tiền tỷ, thậm chí còn phải vay mượn để ứng tiền lương cho chuyên gia nước ngoài.
Vòng vo cũng để thấy sự đầu tư cho đấu kiếm thực sự là tốn kém, đòi hỏi sự “chịu chơi”, sự hy sinh của những người cầm trịch. Nguồn kinh phí cần có để “nuôi” một nội dung kiếm với 10-15 VĐV cùng chuyên gia nước ngoài không hề nhỏ đối với nhiều tỉnh, thành, ngành, bởi lên tới hàng tỷ đồng/ năm. Có lẽ bởi vậy mà nhiều tỉnh, thành đã “chùn bước” khi định đầu tư cho môn này, gần đây mới có thêm Thanh Hóa đầu tư cho đấu kiếm nhưng không dự giải năm nay vì muốn “bồi đắp” thêm về kỹ, chiến thuật cho VĐV. Thể thao công an cũng sốt sắng với định hướng đầu tư cho đấu kiếm, nhưng hiện chưa bước vào quá trình tuyển chọn VĐV.
Người ta đã chờ đợi hiệu ứng từ thành công tại vòng loại cũng như quá trình thi đấu ở Olympic 2016 sẽ khiến nhiều đơn vị “bạo” hơn khi quyết định đầu tư cho môn đấu kiếm. Thực tế, ngoài Thanh Hóa, Bộ Công an, hiện có một số đơn vị khác định phát triển môn đấu kiếm nhưng đường hướng là đầu tư ngắn hạn cho mục tiêu tại Đại hội TDTT toàn quốc 2018 chứ không phải đầu tư lâu dài. Vì thế, dù là môn thi đấu đóng góp nhiều huy chương quốc tế và đã khẳng định được trình độ ở đấu trường châu lục nhưng giải vô địch đấu kiếm quốc gia trong những năm qua có ít đội tham dự.
6 đội với gần 100 kiếm thủ tham dự ở mùa giải này không phải là nguồn tuyển chọn lý tưởng cho đội tuyển quốc gia.
Trước thực tế nói trên, Chủ nhiệm bộ môn đấu kiếm Hà Nội Phạm Anh Tuấn chia sẻ: "Kinh nghiệm phát triển đấu kiếm trong nhiều năm qua của thể thao Hà Nội đủ để hỗ trợ các địa phương có những lứa VĐV giỏi, đáp ứng được nhiệm vụ của địa phương cũng như có thể đóng góp cho quốc gia. Chúng tôi không sợ mất vị thế hàng đầu quốc gia hiện nay, mà chỉ muốn càng nhiều địa phương chung tay phát triển môn thể thao nhiều tiềm năng này càng tốt”.
Thiết nghĩ, sự nhiệt tình của những người cầm trịch bộ môn đấu kiếm Hà Nội rất đáng trân trọng. Tuy vậy, vấn đề quan trọng là các tỉnh, thành phố cần có cái nhìn xa hơn về công tác đầu tư cho bộ môn này, thoát ly "bệnh thành tích", "tư duy ngắn hạn" thì mới có thể tạo nên những đội đấu kiếm mạnh, giúp bộ môn phát triển bền vững và đội tuyển quốc gia có nguồn tuyển dồi dào.
Hà Nội tiếp tục nhất toàn đoàn Giải vô địch Đấu kiếm quốc gia năm 2016 đã kết thúc vào ngày 25-9, tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức với sự thắng thế của đấu kiếm Hà Nội. Các VĐV Hà Nội giành 6 HCV, 6 HCB, 7 HCĐ để bảo vệ thành công ngôi nhất toàn đoàn. Xếp nhì toàn đoàn là Hải Dương với 2 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ; thứ ba là TP Hồ Chí Minh (2 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ). |