Nhật Bản tiếp tục nhận điều dưỡng, hộ lý Việt Nam với mức lương cao
Đời sống - Ngày đăng : 19:11, 26/09/2016
Ảnh minh họa. Nguồn: http://dangcongsan.vn/ |
Đây là thông tin do Bộ LĐTB&XH đưa ra tại Hội nghị Sơ kết đánh giá kết quả 3 năm thực hiện chương trình hợp tác đưa điều dưỡng viên và hộ lý sang Nhật Bản làm việc sáng 26/9 ở Hà Nội.
Việc đưa điều dưỡng, hộ lý đi làm việc ở nước ngoài đã được Việt Nam tiến hành nhiều năm qua nhưng đây là lần đầu tiên, chương trình này được triển khai theo khuôn khổ Hiệp định cấp Chính phủ.
Vì thế, chương trình đã tuân thủ chặt chẽ các quy định từ khâu tuyển chọn đối tượng, đào tạo đến hỗ trợ, quản lý trong thời gian điều dưỡng, hộ lý ở nước ngoài. Mục tiêu cao nhất của chương trình giúp các ứng viên đạt được chứng chỉ điều dưỡng, hộ lý quốc gia của Nhật Bản để có thể làm việc lâu dài tại đây.
Hiện Nhật Bản là một trong những thị trường lao động trọng điểm để VN đưa người lao động đến làm việc. Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết, từ năm 2012 là khi Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) được triển khai đến nay, Cục đã phối hợp với phía Nhật Bản tuyển chọn được 720 ứng viên tham gia vào 4 khoá đào tạo tiếng Nhật. Hiện đã có 470 điều dưỡng, hộ lý khóa 1, 2, 3 đã được sang làm việc tại các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản.
Việc Bộ LĐTB&XH tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình hợp tác đưa điều dưỡng viên và hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản cùng với thông báo tuyển khoá mới là hoạt động có ý nghĩa nhằm giới thiệu chi tiết về chương trình và báo cáo thành quả đạt được với các cơ quan, đoàn thể, đặc biệt là các trường ĐH, CĐ có đào tạo chuyên ngành điều dưỡng để từ đó phổ biến rộng rãi đến các em sinh viên điều dưỡng có mong muốn đi học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Do đó vấn đề đảm bảo chất lượng cho các ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam là rất quan trọng. Thực tế, trong các năm vừa qua, chất lượng của ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đã được phía các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản đánh giá cao, dẫn tới nhu cầu tiếp nhận của phía Nhật luôn cao hơn nhiều so với số lượng ứng viên đang được đào tạo ở mỗi khóa.
Nhận xét về chất lượng lao động Việt Nam đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: "Chất lượng của ứng viên điều dưỡng hộ lý Việt Nam đã được phía các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản đánh giá cao. Trong hai đợt thi chứng chỉ điều dưỡng quốc gia của Nhật Bản năm 2015 và 2016, tỷ lệ thi đỗ của ứng viên điều dưỡng Việt Nam đạt trên 40%, cao gấp nhiều lần so với tỷ lệ của Philippines, Indonesia. Trong 5 lần tuyển dụng, phía Nhật Bản cũng tăng chỉ tiêu tuyển dụng từ năm 2012 là 150 người, năm 2013, 2014 là 180 người, năm 2015 là 210 người và đến năm nay là 240 người”.
Khóa 5/2016, trong khuôn khổ Hiệp định VJEPA sẽ tiếp tục được thực hiện với chương trình dành riêng cho những người tốt nghiệp cao đẳng, đại học chuyên ngành điều dưỡng có nguyện vọng được sang làm việc tại Nhật Bản với tư cách là ứng viên điều dưỡng và hộ lý. Các ứng viên còn có cơ hội tham dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia tại Nhật Bản để có thể ở lại làm việc lâu dài.
Những ứng viên được tuyển chọn sẽ được đào tạo tiếng Nhật miễn phí trong 12 tháng và được cung cấp miễn phí chỗ ở nội trú, bữa ăn và được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí. Kết thúc khóa học, ứng viên sẽ tham gia kỳ thi chứng chỉ năng lực tiếng Nhật cấp độ N3.
Những ứng viên đạt được cấp độ N3 kỳ thi năng lực tiếng Nhật sẽ được giới thiệu cho các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản. Được biết, lương điều dưỡng tại Nhật Bản khoảng 130.000-140.000 yen/tháng (tương đương 28-30 triệu đồng/tháng), còn đối với hộ lý là 140.000-150.000 yen/tháng (tương đương 30-33 triệu đồng/tháng). Còn nếu thi đỗ chứng chỉ nghề và được ở lại Nhật Bản làm việc chính thức thì mức lương có thể lên tới 60 triệu đồng/tháng.
Người lao động cần chú ý, Cục Quản lý lao động ngoài nước là đầu mối duy nhất tiếp nhận hồ sơ đăng ký và triển khai chương trình cùng với phía Nhật Bản. Cục sẽ thông báo danh sách những người đạt yêu cầu và không đạt yêu cầu dự tuyển trên trang thông tin điện tử www.dolab.gov.vn và gửi danh sách này theo địa chỉ mà người đăng ký cung cấp. Không một công ty xuất khẩu lao động hay bất kỳ cá nhân nào được cấp phép thực hiện chương trình này.