Sản xuất, xuất khẩu cà phê: Thay đổi để vượt qua thách thức

Kinh tế - Ngày đăng : 06:41, 26/09/2016

(HNM) - Không chỉ chịu sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Ngành Cà phê Việt Nam còn đối diện với nhiều khó khăn...

Nguy cơ thua...

Tính đến hết tháng 8 của năm nay, sản lượng xuất khẩu cà phê đạt 1,27 triệu tấn, đem về 2,25 tỷ USD, tăng gần 40% về sản lượng và tăng 20,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) Nguyễn Nam Hải cho biết: Là một trong những quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới, tuy nhiên sản phẩm cà phê mang thương hiệu Việt Nam chưa có nhiều, nếu có thì tính cạnh tranh trên thị trường thế giới còn hạn chế do chưa được quảng bá rộng. Khoảng 80% lượng cà phê Việt được xuất khẩu dưới dạng thô, qua nước thứ ba chế biến và mang thương hiệu của họ.

Thu hoạch cà phê tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk). Ảnh: Lê Phước


Không chỉ chịu sự cạnh tranh trên thị trường thế giới, sản xuất cà phê trong nước còn phải đối diện nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài ở Việt Nam. Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex Đỗ Hà Nam: Số doanh nghiệp có vốn FDI trong ngành cà phê chỉ từ 4 đến 5 doanh nghiệp nhưng đang chiếm một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê nhân của nước ta và xuất khẩu cà phê chế biến sâu. Các nhà máy của doanh nghiệp FDI thường có công suất lên tới 10.000 tấn/năm, thậm chí có nơi đạt 15.000 tấn/năm. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất cà phê của Việt Nam công suất nhỏ, vốn ít, công nghệ lạc hậu.

Không chỉ mạnh về tiềm lực, cơ sở vật chất, vốn đầu tư, doanh nghiệp FDI còn được Nhà nước ưu đãi nhiều về thuế, hỗ trợ chính sách… Trong khi lãi suất tối đa của doanh nghiệp FDI chỉ 3%/năm, thì doanh nghiệp nội dù được ưu đãi cũng phải chịu lãi suất bằng tiền Việt Nam từ 6,5 đến 7%/năm. Như vậy các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nguy cơ thua trên sân nhà và bị các doanh nghiệp FDI chiếm thị phần xuất khẩu chi phối.

Cần tuân thủ quy hoạch

Dù xuất khẩu cà phê từ đầu năm đến nay tăng, song theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu cà phê những năm tiếp theo sẽ khó có được thuận lợi như năm nay khi sản lượng cà phê dự kiến sẽ giảm mạnh. Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Trần Xuân Định cho biết: Trong tháng 10 tới, sẽ bước vào vụ thu hoạch cà phê nhưng người trồng cà phê đang đối diện với vụ mùa thất bát nặng nhất từ hàng chục năm trở lại đây. Nguyên nhân là các tỉnh Tây Nguyên trải qua cơn đại hạn nghiêm trọng nhất trong 20 năm trở lại đây. Hàng loạt vườn cà phê đã chết khô sau nhiều tháng hạn hán, khiến người dân phải chặt bỏ. Khô hạn, thiếu nước tưới khiến năng suất cà phê giảm từ 30 đến 70%, thậm chí hàng nghìn héc ta cây cà phê mất trắng, chết khô.

Theo khảo sát của Bộ NN&PTNT, hầu hết diện tích cà phê bị hạn nặng đều nằm ngoài quy hoạch, điều kiện nước tưới khó khăn nên ảnh hưởng đến khả năng phát triển. Ngoài ra, gần nửa diện tích cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đang ở giai đoạn già cỗi, năng suất, chất lượng kém. Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT vừa yêu cầu các địa phương chỉ đạo sản xuất theo đúng quy hoạch. "Việc quy hoạch vùng sản xuất đã tính đến các phương án tưới tiêu thuận lợi nhất. Đối với các vùng không nằm trong quy hoạch, tuyệt đối không để nông dân mở rộng sản xuất. Để đầu tư 1ha sản xuất cà phê người dân bỏ ra rất nhiều kinh phí, nếu không tính toán kỹ nông dân sẽ thiệt hại lớn” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cảnh báo.

Một giải pháp cũng được Bộ NN&PTNT chỉ rõ, các địa phương cần đẩy nhanh việc tái canh cây cà phê. Về lâu dài, nếu không có biện pháp tái canh, luân canh thì sản lượng cà phê sẽ tiếp tục giảm ở những niên vụ sau, điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến sản lượng cà phê xuất khẩu. Để ổn định sản xuất và xuất khẩu, ngoài việc tuân thủ quy hoạch, tái canh cà phê, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư nâng cấp các cơ sở chế biến, đặc biệt quan tâm đến vấn đề chất lượng để phục vụ "bài toán" xuất khẩu lâu dài và ổn định.

Đỗ Minh