Nhiều thách thức cần giải quyết để trụ vững
Giáo dục - Ngày đăng : 06:16, 27/09/2016
Sức ép tăng học phí và những tác động
Mô hình trường công lập chất lượng cao (CLC) tại Hà Nội chính thức được ra đời sau khi có Luật Thủ đô. Có thể nói, các trường CLC lần đầu tiên hiện hữu và được "đóng dấu" bởi UBND thành phố này là một mô hình nhà trường hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh (HS) trong bối cảnh hội nhập. Ba năm chưa phải là một chặng đường dài, song cũng phần nào cho thấy những gian truân của một mô hình trường mang sứ mệnh tìm kiếm "công thức" lối đi, cách làm phù hợp, huy động sự chung sức từ nhân dân, tiến tới nhân rộng một mô hình trường phát triển bền vững về chất lượng, có khả năng cạnh tranh với các trường quốc tế, đồng thời tạo thêm nguồn lực cho các trường còn khó khăn.
Một giờ học tại Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng, một trong 8 trường công lập chất lượng cao của Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn |
Theo lộ trình, 2016 là năm cuối các trường được ngân sách hỗ trợ, nên khả năng phải tăng học phí đang hiện hữu. Đây không chỉ là mối lo của phụ huynh, mà chính các trường CLC cũng đang đứng trước thách thức không nhỏ. Học phí tăng, trường khó giữ chân được HS cũ, và cũng chẳng dễ tuyển được HS mới. Theo Nghị quyết 15/2013/NQ-HĐND ngày 17-7-2013 về "Cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập CLC" ngân sách hỗ trợ chi lương, các khoản theo lương và một phần kinh phí duy tu bảo dưỡng cho trường CLC chỉ được áp dụng đến hết năm nay, sau đó các trường phải tự cân đối. Bởi thế, đầu năm học 2016-2017, các trường CLC đã rục rịch tăng mức học phí. Đây là điều dường như hầu hết các trường đều không mong muốn, bởi nhận rõ sự chênh vênh khi tăng học phí vào bối cảnh khó khăn này. Tại hội nghị mới đây về mô hình phát triển trường CLC do Sở GD-ĐT tổ chức, các hiệu trưởng đã đồng loạt kiến nghị điều chỉnh Nghị quyết theo hướng tiếp tục được ngân sách hỗ trợ chi lương, phụ cấp, còn chi phí cho các hoạt động khác do trường tự bảo đảm từ nguồn thu học phí với mức thu nằm trong mức trần quy định (cao nhất là 3,2 hoặc 3,4 triệu đồng/HS/tháng, tùy theo cấp học).
Bà Lê Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng (Long Biên) cho biết, mức học phí năm học 2016-2017 của trường điều chỉnh từ 2,5 triệu đồng lên 2,65 triệu đồng/HS/tháng. Toàn bộ phần tăng thêm 150 nghìn đồng/HS/tháng để tổ chức một nội dung giáo dục mới cho HS là hoạt động trải nghiệm toán học, không nhằm chi lương. Để có thể tự chủ hoàn toàn về tài chính từ năm 2017, theo dự toán tương đương với ngân sách hiện nay, mỗi năm trường phải có thêm 2 tỷ đồng, chia cho 480 HS của trường thì mức đóng học phí tăng thêm của mỗi HS khoảng 500-600 nghìn đồng/HS/tháng. Với khoảng thời gian hoạt động chưa dài, mức học phí tăng như vậy, chắc chắn sẽ có nhiều băn khoăn từ phụ huynh. Phía nhà trường cũng không khỏi lo lắng về sự thiếu ổn định.
Có cơ chế kiểm soát việc tăng học phí
Một giáo viên ở Trường Tiểu học Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm) bày tỏ trăn trở khi trực tiếp cảm nhận những băn khoăn từ phụ huynh về ý định chuyển trường. Lý do là bởi lo lắng trước nguy cơ tăng học phí nhanh mà chất lượng đào tạo lại chưa thể thấy trong ngày một ngày hai. Câu hỏi chung của phụ huynh lúc này là liệu học phí tăng thì chất lượng giáo dục có tăng hay không? Và việc tăng này có bảo đảm ổn định, công khai và được kiểm soát để phụ huynh có thể chủ động về tài chính cho con theo học ít nhất là hết cấp học?
Bà Trần Thị Hoàng Lâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) thẳng thắn cho rằng: Mức tăng học phí quá nhanh, vừa gây bất an cho phụ huynh, vừa khiến cho trường khó phát triển ổn định. Việc điều chỉnh Nghị quyết theo hướng tiếp tục được ngân sách hỗ trợ bảo đảm chi trả lương là cần thiết để tháo gỡ những mối lo này, tạo thuận lợi để các trường CLC phát triển bền vững. Chỉ khi có được sự ổn định, tập thể đội ngũ mới có thể tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Uy tín của trường với phụ huynh cũng cần một lộ trình cần thiết để khẳng định.
Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: Sở GD-ĐT và Sở Tài chính đang làm quy trình đề xuất điều chỉnh Nghị quyết 15/2013/NQ-HĐND, áp dụng trong giai đoạn 2016-2020 đối với các trường CLC đã được công nhận để trình tại kỳ họp thứ ba HĐND thành phố vào tháng 12 sắp tới. Một trong những hướng đề xuất đang được nghiên cứu, nhận được sự đồng thuận là ngân sách tiếp tục hỗ trợ kinh phí theo hướng giảm dần, tiến tới để các trường CLC tự chủ hoàn toàn. Nếu cần thiết điều chỉnh tăng học phí, sẽ có cơ chế để kiểm soát việc này. Tại Nghị quyết 15/2013/NQ-HĐND cũng đã quy định rõ, trước khi điều chỉnh mức học phí, các trường phải xây dựng đề án trình cấp quản lý trực tiếp (UBND quận, huyện, thị xã hoặc Sở GD-ĐT, tùy theo phân cấp) và không được vượt quá mức trần cho phép.
Theo ông Nguyễn Viết Cẩn, xu hướng chung lúc này của các trường CLC là khó tuyển sinh. Việc tăng học phí càng khiến các trường thêm chênh vênh, cha mẹ HS băn khoăn, lo lắng. Sau 3 năm mày mò gây dựng một mô hình mới, đây là giai đoạn các trường cần sự ổn định để tập trung vào công tác giáo dục, xây dựng uy tín của mình và tạo niềm tin với phụ huynh và xã hội. Khi đã khẳng định chất lượng một cách vững vàng, phụ huynh sẽ không ngần ngại chung tay cùng nhà trường để hoàn thiện các điều kiện phục vụ dạy - học tốt hơn. Đó vừa là điều kiện để phát triển thêm nhiều trường CLC, vừa tạo thuận lợi để tăng nguồn lực đầu tư cho các trường công lập còn khó khăn.
Theo các chuyên gia giáo dục, xu hướng tạo tự chủ cho các trường CLC là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách, dành ưu tiên hỗ trợ cho các trường công lập ở vùng khó khăn. Tuy nhiên, để các trường CLC đứng vững trên đôi chân của mình, cần có lộ trình phù hợp nhằm từng bước hóa giải sức ép từ việc tăng học phí cũng như những thách thức để trụ vững thông qua cơ cấu lại tổ chức bộ máy, tăng cường quản trị, nâng cao hơn nữa hoạt động...
- Tám trường công lập đã được công nhận CLC: Mầm non đô thị Sài Đồng, Mầm non đô thị Việt Hưng, Tiểu học đô thị Sài Đồng (Long Biên), Mầm non 20-10 (Hoàn Kiếm), Mầm non Việt - Bun (Hai Bà Trưng), Tiểu học Nam Từ Liêm, THCS Nam Từ Liêm (Nam Từ Liêm), THPT Phan Huy Chú (Đống Đa). - Năm trường đang thí điểm mô hình CLC: Mẫu giáo Mầm non B, Mẫu giáo Hữu nghị Việt - Triều (Sở GD-ĐT Hà Nội); Mẫu giáo Quang Trung, Tiểu học Tràng An (Hoàn Kiếm); Mầm non Mai Dịch (Cầu Giấy). - Mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội có thêm 20 trường được "đóng dấu" CLC. |