Chặn lãng phí tài sản công bằng chế tài nghiêm minh

Kinh tế - Ngày đăng : 07:09, 28/09/2016

(HNM) - Hơn 1,03 triệu tỷ đồng là tổng giá trị tài sản nhà nước (TSNN) tính đến ngày 31-12-2015. Mặc dù Nhà nước đã có những quy định chặt chẽ về quản lý TSNN, song tình trạng lãng phí công sản vẫn diễn ra phổ biến.


Luật hóa quản lý công sản, tránh lãng phí

Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2015, TSNN có tổng trị giá 1,03 triệu tỷ đồng, bao gồm đất đai, nhà, ô tô công và các tài sản khác. Trong đó, giá trị đất đai lên tới hơn 700 nghìn tỷ đồng. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều quy định nhằm quản lý TSNN, song tình trạng sử dụng lãng phí, gây thất thoát ngân sách vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Đấu giá biển số đẹp, sim đẹp làm từ thiện

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới về việc biển số đẹp cấp cho ô tô, xe máy; sim điện thoại số đẹp, dễ nhớ có giá thị trường lên tới hàng tỷ đồng liệu có phải là TSNN hay không và tới đây Bộ Tài chính sẽ quản lý như thế nào với những tài sản này, ông Trần Đức Thắng cho rằng, nhiều quốc gia đã áp dụng hình thức bán đấu giá biển số xe đẹp.

Người muốn sở hữu số đẹp phải trả tiền. Khoản tiền này không đưa vào ngân sách mà sử dụng vào mục đích từ thiện hay công tác xã hội. Hiện, nước ta chưa có quy định vấn đề này, song Cục Quản lý công sản sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý phù hợp.


Theo kết quả kiểm toán năm 2015 do Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí. Điển hình là Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn để “đắp chiếu” hệ thống máy chuyên dùng cào bóc, tái chế nguội mặt đường, được đầu tư 38,79 tỷ đồng. Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) mua xe Toyota 4Runner giá 2,25 tỷ đồng, cao hơn mức tối đa cho phép 1,21 tỷ đồng. Công ty cổ phần Xây dựng số 1 - Việt Nguyên mua xe Mercedes-Benz và thanh lý xe Audi cũng không đúng quy chế tài chính…

Theo Bộ Tài chính, hiện cả nước dư thừa 7.000 xe công, song năm 2015, các ngành, địa phương vẫn mua thêm 600 xe mới. Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng cho rằng, trước tình trạng sử dụng tài sản công chưa hiệu quả, lãng phí, việc sớm ban hành Luật Quản lý TSNN (sửa đổi) là rất cần thiết. "Chúng ta phải biết có bao nhiêu xe, thực trạng nhà công, đất công, xe công như thế nào và TSNN có giá trị trên 500 triệu đồng gồm những gì… thì mới có thể đưa ra phương thức quản lý hiệu quả" - ông Trần Đức Thắng chia sẻ.

Người dân xót xa

Tại cuộc họp báo chiều 27-9, các cơ quan báo chí cũng đặt vấn đề việc dự thảo luật có bao quát hết các vấn đề còn tồn tại, đơn cử như việc thất thoát TSNN sau khi thực hiện cổ phần hóa. Ông Trần Đức Thắng cho biết, Luật Quản lý TSNN sửa đổi nêu rõ, sau khi thực hiện cổ phần hóa, TSNN sẽ được xác định lại giá trị theo giá trị thị trường. Điều này đồng nghĩa, có trường hợp giá trị TSNN trên sổ sách kế toán còn lại 1 tỷ đồng, nhưng sau cổ phần hóa, khối tài sản này có thể được tính giá lên tới 3, thậm chí 4 tỷ đồng.

Với những TSNN là nhà đất được tính vào giá trị DN khi thực hiện cổ phần hóa, thì chỉ cho phép áp dụng với những trường hợp DN được giao đất. Còn khi thực hiện cổ phần hóa, sẽ tính cả giá trị lợi thế, giá trị bản quyền... Bên cạnh đó, việc giao quyền, cấp quyền cho thuê, chuyển nhượng khai thác TSNN cũng phải theo trình tự, quy định của Nhà nước để tránh thất thoát, lãng phí. Theo kế hoạch, Dự thảo Luật Quản lý TSNN (sửa đổi) sẽ được Chính phủ báo cáo tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới đây và trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5-2017.

Liên quan đến vấn đề quản lý tài sản công, dư luận cho rằng việc siết chặt các quy định để tránh thất thoát, lãng phí là rất cần thiết. Ông Nguyễn Quý Chất, cán bộ hưu trí phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm nói: “TSNN, vốn nhà nước được hình thành từ tiền thuế của nhân dân đóng góp. Nhà nước là người đại diện, thay mặt nhân dân quản lý. Việc nhà, đất công sử dụng sai mục đích, thậm chí bị chiếm dụng hay bỏ hoang khiến người dân không khỏi xót xa”.

Thực tế này đòi hỏi cần sớm ban hành những chế tài xử phạt nghiêm minh để ngăn chặn kịp thời sai phạm nảy sinh. 

Hương Ly