Vé tàu Tết Đinh Dậu 2017: Siết chặt từ khâu bán vé

Kinh tế - Ngày đăng : 07:25, 28/09/2016

(HNM) - Ngành Đường sắt TP Hồ Chí Minh bắt đầu bán vé tàu Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 cho cá nhân từ ngày 1-10 tới. Rút kinh nghiệm từ những hạn chế trong việc bán vé tàu Tết năm trước, năm nay Ngành Đường sắt sẽ siết chặt từ khâu bán vé lẫn kiểm soát chặt vé lên tàu đối với hành khách.


Giảm chỗ ngồi, tăng giá vé

Ông Lê Quốc Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt (VTĐS) Sài Gòn cho hay, dịp Tết Đinh Dậu, Ngành Đường sắt giảm gần 5.000 chỗ so với cùng kỳ năm trước do đang thực hiện một số dự án cải tạo toa xe nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Cụ thể, ngành sẽ bán 293.000 vé, trong đó, thời gian cao điểm trước Tết từ ngày 17 đến hết ngày 26-1-2017 (tức ngày 20 đến 29 tháng Chạp âm lịch) có 133.000 chỗ và 12.500 ghế phụ, sau Tết có 160.000 chỗ và 15.000 ghế phụ. Ngoài hình thức bán vé qua mạng, Ngành Đường sắt sẽ cấp 15.000 số thứ tự cho khách đến ga mua vé trực tiếp. Mỗi hành khách được đặt chỗ trên website, mua vé trực tiếp tại các nhà ga, hay các điểm bán vé mỗi lần không quá 4 vé cho một chiều đi.

Ngành Đường sắt sẽ siết chặt khâu bán vé trong dịp Tết Đinh Dậu 2017.



Ông Trung cho biết thêm, giá vé dịp Tết năm nay sẽ tăng chiều đông khách trước Tết để bù cho chiều chạy rỗng từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh. Theo đó, giá vé tàu cao nhất đợt cao điểm Tết là tàu SE4, tăng 9,8%; giá vé chiều Hà Nội - TP Hồ Chí Minh giảm cao nhất là 15%. Cụ thể, trung bình các tuyến cao điểm từ ngày 21 đến hết ngày 25-1-2017 (tức ngày 24 đến 28 tháng Chạp âm lịch) đối với tàu SE4 (TP Hồ Chí Minh - Hà Nội) giá vé toa ngồi mềm, máy lạnh là 1.780.000 đồng, nằm tầng 1 là 2.280.000 đồng, nằm tầng 2 là 2.250.000 đồng. Tàu TN2 có giá vé ghế cứng 1.342.000 đồng, giường nằm 1.816.000 đồng.

Theo ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh VTĐS Sài Gòn, từ ngày 1-10, Công ty CP VTĐS Sài Gòn chính thức bán vé cá nhân trên website: www.dsvn.vn, các nhà ga và các điểm bán vé của ngành. Ông Văn còn lưu ý, khi hành khách có kèm trẻ em đi cùng mua vé giường nằm hoặc ghế ngồi, mỗi vé người lớn được mua kèm thêm một vé trẻ em không chỗ. Trẻ em mua vé không chỗ bằng 60% giá vé ghế ngồi cứng trên đoàn tàu đó, khi lên tàu được bố trí sử dụng chỗ chung với người lớn đi kèm.

Bên cạnh đó, hành khách mua vé ghế phụ được bố trí ngồi bằng ghế nhựa với giá được tính bằng 80% loại chỗ ghế ngồi cứng trên đoàn tàu đó. Phí đổi vé, trả vé là 30% giá vé áp dụng cho vé cá nhân và vé tập thể. Thời gian đổi vé, trả vé, đối với tập thể trước giờ tàu chạy 24 giờ, còn cá nhân trước giờ tàu chạy 10 giờ. Khi đổi vé, trả vé, hành khách cần xuất trình giấy tờ tùy thân bản chính của người đi tàu. Đồng thời, thông tin trên thẻ đi tàu phải trùng khớp với giấy tờ tùy thân của hành khách. Bắt đầu từ ngày 25 đến ngày 30-9, Ngành Đường sắt TP Hồ Chí Minh bán vé cho các tập thể đã đăng ký trước đó. Theo đó, hiện đã có 40 tập thể đăng ký mua hơn 3.000 vé Tết.

Để hạn chế tình trạng hành khách đi chặng ngắn nhưng phải mua chặng dài như các năm trước, dịp Tết Đinh Dậu 2017, Công ty CP VTĐS Sài Gòn cũng điều chỉnh việc bán vé, lấy chặng dài bán cho chặng ngắn. Trong đó, tàu Thống Nhất sẽ cắt 13.000 chỗ chặng dài để phục vụ các chặng ngắn. Nếu tính tổng cộng cả việc cắt từ vé chặng dài trên thì dự kiến khoảng 45.000 chỗ đi chặng ngắn trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, chiếm 34% tổng số chỗ đi tàu ngày cao điểm Tết.

“Cò” vé hết đất sống?

Để ngăn chặn tình trạng vé chợ đen, cò mồi chèo kéo khách, ông Đỗ Quang Văn khuyến cáo, hành khách không nên mua vé qua “cò” vì chỉ những người có vé trùng với thông tin trên các loại giấy tờ tùy thân mới được vào ga và lên tàu. Theo ông Văn, những năm trước, việc vé “chợ đen” hoành hành do mức phí đổi, trả vé được áp dụng tương đối thấp, các đối tượng dễ dàng mua rồi sau đó bán lại cho khách để hưởng tiền chênh lệch. Cụ thể, nhiều đối tượng canh thời gian đặt vé với thông tin cá nhân bất kỳ rồi sau đó bán lại cho hành khách bằng cách cạo sửa tên; đổi, trả vé hoặc dùng chứng minh nhân dân giả cho hành khách đi tàu.

Cũng theo ông Lê Quốc Trung, ngoài việc chặn từ đầu việc “cò” đầu cơ vé, Ngành Đường sắt đã thỏa thuận với 42 đại lý phân phối vé phải bán đúng giá niêm yết, chỉ được thu phí các loại dịch vụ phục vụ hành khách để hạn chế tình trạng “cò”. Mặt khác, năm nay, lần đầu tiên, Ngành Đường sắt dùng máy quét để kiểm tra thông tin trên vé từ cổng ra, vào cho đến khi khách ngồi trên tàu. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý từ khâu bán vé lẫn quán triệt đội ngũ nhân viên trong ngành để tránh tình trạng nội bộ câu kết tuồn vé ra bên ngoài.

Hà Phạm