Tăng cường hỗ trợ lao động làm việc ở nước ngoài

Đời sống - Ngày đăng : 10:45, 28/01/2023

(HNMO) - Nhân dịp đầu năm mới Quý Mão 2023, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Phạm Ngọc Lan đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới về công tác hỗ trợ lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao trình độ tay nghề của lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước Phạm Ngọc Lan (giữa, áo sẫm) chúc mừng các học viên khóa 1 của Chương trình đi thực tập tại Nhật Bản trong ngành hộ lý năm 2022.

- Năm 2023 được dự báo rất nhiều thách thức do khối lượng công việc phải triển khai rất lớn, bà có thể cho biết Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ tập trung các nhiệm vụ gì nhằm mở rộng và phát triển các thị trường tiếp nhận lao động?

- Để mở rộng và phát triển các thị trường tiếp nhận lao động, Trung tâm nhận thấy yếu tố lao động cần đặt hàng đầu, chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài cần được chú trọng nâng cao, tăng cường hơn nữa công tác tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề và giáo dục định hướng, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động.

Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về các chương trình, đặc biệt chú trọng tuyên truyền chính sách pháp luật có liên quan để nâng cao nhận thức, ý thức của người lao động; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong thực hiện các nghiệp vụ như tiếp nhận hồ sơ đăng ký, tổ chức thi tiếng Hàn, hoàn thiện các thủ tục đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, ký và thanh lý hợp đồng, hoàn trả tiền ký quỹ… để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động và cán bộ xử lý nghiệp vụ, rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục phái cử. Đồng thời, đổi mới công tác đào tạo, giáo dục định hướng để nâng cao hơn nữa chất lượng lao động. Lâu nay, các doanh nghiệp tiếp nhận luôn đánh giá cao chất lượng người lao động Việt Nam mà Trung tâm Lao động ngoài nước phái cử theo các chương trình phi lợi nhuận Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao triển khai thực hiện.

- Năm 2022, Trung tâm Lao động ngoài nước đã đưa được 9.815 người lao động, thực tập sinh đi làm việc và thực tập kỹ thuật tại các nước, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Bà có thể chia sẻ đôi điều về bài học kinh nghiệm của Trung tâm?

- Bài học kinh nghiệm của chúng tôi là phải tập trung chỉ đạo, ưu tiên các biện pháp cần thiết trong công tác tuyển chọn, đào tạo, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho người lao động và thực tập sinh.

Trong năm 2022, dịch bệnh Covid-19 được khống chế, ngay sau khi Việt Nam và các quốc gia tiếp nhận lao động nước ngoài nới lỏng chính sách phòng dịch, Trung tâm đã nỗ lực triển khai các biện pháp để phục hồi công tác phái cử lao động đi làm việc ở nước ngoài theo 5 chương trình do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao, gồm: Đưa lao động làm việc tại Hàn Quốc - EPS; thực tập sinh kỹ năng tại Nhật Bản - IM Japan; điều dưỡng viên sang làm việc tại CHLB Đức; hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản và tuyển mộ trực tiếp lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc).

Trung tâm chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP về ký quỹ và hỗ trợ cho vay để ký quỹ đối với người lao động làm việc tại Hàn Quốc, đây là “cú hích” hiệu quả, tháo gỡ các vướng mắc để tiếp tục đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Số lượng lao động xuất cảnh năm 2022 đã đạt gần 10.000 người, cao nhất trong 10 năm qua, số lượng lao động xuất cảnh tập trung ở 6 tháng cuối năm 2022. 

Tư vấn tuyển dụng lao động vừa trở về nước sau khi kết thúc thời hạn làm việc tại nước ngoài.

- Nhằm tăng cường tuyển chọn, đào tạo, hỗ trợ lao động đi làm việc tại nước ngoài, đâu là những giải pháp được Trung tâm áp dụng hiệu quả?

- Quan hệ hợp tác giữa Trung tâm và các đối tác, cơ quan tiếp nhận tiếp tục được củng cố và phát triển, được tín nhiệm và ủng hộ cao, tạo tiền đề cho việc tăng hạn ngạch, mở rộng và phát triển thị trường. Năm 2022, Thỏa thuận và 4 Phụ lục kèm theo với Tổ chức IM Japan về việc phái cử và tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đã được ký kết, Chương trình “Hand in Hand for International Talents” - đưa lao động kỹ thuật cao sang làm việc tại CHLB Đức với Cơ quan lao động liên Đức (BA) và Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) cũng đã được ký kết. Đây là tiền đề để mở rộng hơn nữa thị trường tiếp nhận với đối tượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong các năm tiếp theo, tạo cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao cho nhiều người lao động.

Ngoài ra, công tác tuyển chọn, đào tạo, giáo dục định hướng tiếp tục được chú trọng, nâng cao chất lượng và hiệu quả, lao động được tuyển chọn cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của đối tác tiếp nhận.

Trung tâm cũng tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ người lao động đang làm việc ở nước ngoài và đẩy mạnh công tác hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động về nước tìm việc làm, sớm hoà nhập lại cuộc sống và công việc trong nước, góp phần giảm thiểu tình trạng lao động ở lại nước ngoài cư trú và làm việc bất hợp pháp.

Nhằm tạo điều kiện cho người lao động chính sách, cư trú tại các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, Trung tâm cũng đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương trực tiếp tổ chức các buổi giới thiệu về các chương trình phi lợi nhuận tới người dân tại địa phương để những người lao động quan tâm, có nhu cầu có thể tiếp cận trực tiếp, nhanh nhất.

Đặc biệt, Trung tâm tiếp tục tập trung truyền thông về các chương trình phi lợi nhuận, tuyên truyền vận động người lao động chấp hành pháp luật về nước đúng hạn, ở cả trong và ngoài nước. Các quy định, chính sách có liên quan, thông tin về các chương trình đang triển khai và các hoạt động của Trung tâm được cập nhật kịp thời, đầy đủ trên website của Trung tâm, giúp truyền tải thông tin một cách rộng rãi, công khai, minh bạch đến người lao động. 

- Trân trọng cảm ơn bà!

Mai Hoa