Yêu cầu cấp bách
Giáo dục - Ngày đăng : 06:55, 29/09/2016
Nghị quyết 29/NQ-TƯ đã triển khai sang năm thứ ba với nhiều tín hiệu tích cực về chất lượng giáo dục ở các nhà trường. Tuy nhiên, so với mục tiêu "phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học" thì đội ngũ giáo viên hiện nay cần có sự dịch chuyển rõ nét hơn, đặc biệt về phương pháp dạy học.
Đòi hỏi cấp bách ấy thể hiện rõ tại Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ về các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2016-2017, trong đó có yêu cầu đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ GV theo chuẩn để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, đồng thời xây dựng lộ trình tinh giản những GV không có khả năng đạt chuẩn, tuyệt đối không để tình trạng GV yếu kém giảng dạy.
Không phải ngẫu nhiên mà yêu cầu ấy được đặt ra cấp bách vào thời điểm này. Báo cáo đánh giá của Bộ GD-ĐT đã thẳng thắn nhìn nhận: Trình độ GV chưa đồng đều, chất lượng còn hạn chế là một trong những yếu kém của Ngành Giáo dục trong năm học 2015-2016. Để giúp GV tiếp cận với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, trong năm học vừa qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức thi dạy học theo chủ đề tích hợp. Nhiều phong trào, cuộc vận động về đổi mới phương pháp dạy học như "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", "Mỗi thầy cô là một sự đổi mới"... được lan tỏa.
Với mầm non - cấp học ít được đề cập trong lộ trình đổi mới, lại là những thành viên cần lưu tâm nhất, bởi đây là cấp học nền tảng của mỗi học sinh, tạo tiền đề căn bản để các em phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất như mục tiêu Nghị quyết 29/NQ-TƯ đề ra. Theo thống kê, cả nước còn khoảng 2% GV mầm non chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo. Tuy nhiên, nhìn vào những vụ bạo hành trẻ liên tiếp xảy ra ở các địa phương thời gian qua, có thể thấy con số thực tế có lẽ còn lớn hơn. Nhưng đây không phải là việc có thể làm chuyển biến ngay trong ngày một ngày hai, mà cần sự kiên trì ở cả một chặng đường dài.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Năm học 2016-2017, Ngành Giáo dục tập trung thực hiện 6 nội dung trọng tâm trong công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo như: Xây dựng và hoàn thiện các chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo theo chuẩn, đẩy mạnh việc nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ; bảo đảm công bằng trong đào tạo, bồi dưỡng giữa nhà giáo trong và ngoài công lập... Từ nay tới tháng 12-2016, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát những bất cập về chế độ, chính sách với nhà giáo, xây dựng và hoàn thiện bước đầu Luật Nhà giáo. Đây sẽ là căn cứ để xây dựng đội ngũ nhà giáo vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới của Ngành Giáo dục. |
Phải chiến thắng sức ỳ
Được coi là yếu tố then chốt quyết định chất lượng ở mỗi nhà trường, Ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp để xây dựng, hoàn thiện đội ngũ GV theo hướng không chỉ chuẩn về bằng cấp đào tạo, mà còn phải chuẩn về đạo đức, năng lực sư phạm, phải là tấm gương về mọi mặt cho học sinh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội: Giáo dục là một ngành đặc thù mà ở đó GV giữ vai trò then chốt trong việc tạo ra "sản phẩm" chất lượng - chính là những học sinh có đầy đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH - HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước. Điều này đã được khẳng định trong Nghị quyết 29/NQ-TƯ, cũng là khâu đột phá của giáo dục Hà Nội trong lộ trình đổi mới giáo dục.
Để đảm đương được vai trò không chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần, mà là người tổ chức cho học sinh tiếp cận kiến thức, dạy học sinh cách học, từ đó rèn luyện kỹ năng, phát triển phẩm chất, thì đội ngũ này cần có sự thay đổi toàn diện về kiến thức, kỹ năng, phương pháp. Hà Nội có hơn 70 nghìn GV đứng lớp ở các cấp học, trong đó hầu hết đều đã có trình độ đào tạo đạt chuẩn, song nhìn vào thực tế, có thể thấy sự chênh lệch rõ giữa các vùng miền. Rào cản lớn và trước nhất với đội ngũ này được cho là sức ỳ, tâm lý ngại thay đổi của GV.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy Nguyễn Văn Hòa nhận định: Những GV trẻ (tuổi đời dưới 40) được đào tạo bài bản, có khả năng tiếp cận nhanh với yêu cầu đổi mới chiếm tỷ lệ nhỏ ở các trường. Còn số GV lớn tuổi chủ yếu dạy theo kinh nghiệm và những kiến thức tích lũy, hạn chế về khả năng vận dụng thực tế, thường ngại thay đổi, thậm chí khó có thể thay đổi thì chiếm tỷ lệ lớn ở các trường.
Vướng nhất hiện nay là công tác đào tạo lại GV ra sao để đội ngũ này đáp ứng tốt chương trình, sách giáo khoa mới sẽ thực hiện từ năm 2018. Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, chương trình mới sẽ được xây dựng theo hướng tích hợp, ví dụ như môn khoa học tự nhiên là tích hợp kiến thức của ba môn vật lý, hóa học, sinh học, đòi hỏi GV phải điều chỉnh phương pháp dạy theo hướng liên môn. Trong khi đó, đội ngũ GV hiện nay đều được đào tạo đơn môn.
Nếu chờ đến khi có chương trình mới ban hành, chờ các trường sư phạm thiết kế nội dung đào tạo, thì sẽ muộn. Thực tế đó đòi hỏi bản thân mỗi GV phải thay đổi nhận thức, chiến thắng sức ỳ để phát triển.