NSƯT Mỹ Uyên mang kịch thể nghiệm “Giấc mơ” ra sân khấu lớn

Giải trí - Ngày đăng : 15:26, 29/09/2016

(HNMO)- NSƯT Mỹ Uyên – Giám đốc Nhà hát kịch 5B quyết định đem vở kịch thể nghiệm “Giấc mơ” ra sân khấu nhà hát lớn TP Hồ Chí Minh. Đây là vở kịch kết hợp nhiều loại hình trình diễn đương đại do đạo diễn Thái Kim Tùng dàn dựng sẽ được Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật một đêm diễn lộng lẫy nhất tại Nhà hát TPHCM

NSƯT Mỹ Uyên – Giám đốc Nhà hát kịch 5B



Đây là chương trình trình diễn đặc biệt nhất của sân khấu TP HCM, với cuộc đổ bộ của những tài năng mới thuộc nhiều loại hình nghề thuật, hợp diễn thành một bản trường ca tuyệt bích ngợi ca tình yêu, niềm hy vọng và cả khao khát về một cuộc sống thanh bình. “Giấc mơ” cũng là tác phẩm tham dự Liên hoan kịch thể nghiệm quốc tế được diễn ra vào tháng 11/2016 tại Hà Nội, dự kiến tranh tài cùng hơn 20 vở diễn đến từ nhiều nền sân khấu nổi tiếng thế giới.

“Giấc mơ” kể về hành trình hư tưởng của một nguời chiến sĩ (nghệ sỹ Lê Vinh) tử trận. Như thông lệ thần Chết (nghệ sỹ Bạch Long) đến bắt hồn người chiến sĩ (nghệ sĩ Trung Dũng) nhưng người lính nhất quyết không theo. Để chứng minh sự bất cưỡng của quy luật sinh tử, thần Chết thả hồn của Hoàng đế Trung Quốc Tần Thủy Hoàng và nữ hoàng Ai Cập Cleopatra để cho người lính thấy anh chỉ là một hạt cát nhỏ bé của thế gian, ngay cả những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử còn phải quy phục sức mạnh của thần Chết.



Tưởng chừng sẽ phải bước qua cánh cửa sang bên kia thế giới nhưng từ tận trong thâm tâm người lính nghe được tiếng vẫy gọi khắc khoải của Tổ quốc, của những người mẹ, người chị, của nhân dân đợi anh trở về. Ước mơ cùng khát vọng mãnh liệt của người lính được sống và cống hiến đã thuyết phục được thần Chết, cho ông cảm nhận được sức mạnh của tình yêu, tình yêu với Tổ quốc, với cuộc đời.

Về nội dung, đạo diễn Thái Kim Tùng chia sẻ anh đã bị ám ảnh bởi ngôn phong và cấu tứ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi từ 2 năm trước và luôn nung nấu dàn dựng tác phẩm này nhưng phải thật mới mẻ và cuốn hút để càng đông giới trẻ có thể cảm nhận tình yêu nước một cách gần gũi nhất.

Nghệ sĩ, Đạo diễn Thái Kim Tùng



Về hình thức, Thái Kim Tùng đã táo bạo thể nghiệm sân khấu tròn, không trang trí sân khấu nhưng không gian vở kịch được thay đổi liên tục bởi tạo hình đa dạng của các diễn viên, khai thác triệt để về khả năng tổng hợp của họ để diễn viên trong vở hóa thân vào rất nhiều vai khác nhau; công hưởng với hiệu ứng ánh sáng hiện đại và ngoạn mục cùng với âm nhạc của dàn nhạc sống mang âm hưởng rất Việt Nam. Sức hút của vở diễn còn đến từ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa những loại hình sân khấu: kịch nói, múa đương đại và tuồng cổ. Thử thách lớn nhất đối với đạo diễn Thái Kim Tùng là không tạo cảm giác lạm dụng hay chông chênh khi các thể loại đan xen nhau.



Đảm nhận vai nam chính, nghệ sỹ Trung Dũng, một gương mặt tiêu biểu của sân khấu 5B chia sẻ: “Cũng khá lâu rồi tôi mới có dịp quay lại sân khấu, và được diễn một vở kịch thể nghiệm. Đặc trưng của sân khấu 5B là không dùng micro, diễn viên phải nói bằng giọng thật đủ lớn để truyền tải được câu chuyện. Và sân khấu luôn tối giản, để những cảnh diễn được chân thực nhất. Chính vì thế, sự phối hợp giữa âm nhạc, ánh sáng và sự ăn ý của các diễn viên rất quan trọng để tạo nên một tổng thể hấp dẫn. Vở diễn là một sự thách đố với những diễn viên trẻ, nhưng tôi cảm nhận được niềm đam mê của chúng tôi đủ mạnh để vở diễn lay động được trái tim công chúng yêu nghệ thuật”.

Diễn viên Trung Dũng



NSƯT Mỹ Uyên –Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B cho biết, dù mặt bằng nhà hát vẫn chưa hoàn thiện để phục vụ khán giả, nhưng tất cả ekip của nhà hát đều rất nỗ lực phát triển những vở diễn mới, trước mắt để sáng tạo và thể nghiệm khi tham gia Liên hoan Kịch thể nghiệm quốc tế tới đây, mặt khác duy trì thể loại chính kịch – tâm lý, không chạy theo xu hướng hài đang phổ biến tại các sân khấu kịch hiện nay.

T.Minh