Tạo thay đổi tích cực về nhận thức, hành động
Đời sống - Ngày đăng : 07:03, 29/09/2016
PV: Sau 6 năm thực hiện Đề án 32, Hà Nội đã thu được những kết quả gì thưa ông?
Ông Đặng Văn Bất: Có thể nói, Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nghề Công tác xã hội (CTXH) là một chủ trương lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm định hướng cả về nhận thức và hành động cho các cấp, các ngành và toàn xã hội về CTXH và việc đào tạo nghề CTXH trong tình hình hiện nay.
Thực hiện Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 154/KH-UBND, ngày 3-11-2010 để triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn thành phố giai đoạn 2010-2020. Theo đó, kế hoạch đã đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và lộ trình thực hiện. Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 154/KH-UBND, Sở LĐ-TB-XH Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành và các địa phương của thành phố, tham mưu UBND thành phố thành lập Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội (Trung tâm thuộc Sở LĐ- TB-XH Hà Nội). Ngày 21-3-2014, Trung tâm được thành lập, chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố thực hiện việc cung cấp dịch vụ CTXH cho các đối tượng là trẻ em bị bỏ rơi, các nạn nhân bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, bị buôn bán, bị cưỡng bức lao động, người bị lạc đường do rối nhiễu tâm trí… Cung cấp các dịch vụ tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý cho đối tượng; phối hợp với các cơ sở đào tạo, tổ chức đào tạo tập huấn, hội thảo về kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ CTXH.
Sau khi thành lập, dù điều kiện về cơ sở vật chất và số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ còn khó khăn nhưng với sự đoàn kết, thống nhất cao cùng với đó là trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ cán bộ nhân viên, Trung tâm đã góp phần giữ gìn ổn định và bảo đảm an sinh xã hội của Thành phố. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, Trung tâm đã giúp đỡ được hàng trăm lượt đối tượng “yếu thế” vượt qua khó khăn và khủng hoảng về tâm lý hòa nhập gia đình và cộng đồng. Thực hiện Kế hoạch 154/KH - UBND, đến nay Sở LĐ-TB-XH đã phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội - Bộ LĐ-TB-XH và các trường đại học tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo cho gần 7.000 lượt cán bộ làm CTXH ở các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và cán bộ ở các trung tâm thuộc Sở về kiến thức, kỹ năng làm CTXH. Trong ba năm gần đây đã có hàng chục cán bộ lãnh đạo cấp phòng và cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Sở được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ về CTXH. Đến nay, toàn ngành đã có trên 20 cán bộ có trình độ cao học về CTXH; nhiều đồng chí được theo học các lớp bồi dưỡng chuyên ngành công tác xã hội do Bộ LĐ-TB-XH và tổ chức…
Như vậy, có thể nói sau 6 năm thực hiện Đề án 32, CTXH đã được coi trọng và từng bước trở thành một nghề của thành phố; hiệu quả CTXH ngày càng được nâng cao; cán bộ làm CTXH đã được trang bị cả về trình độ, năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc và đạo đức nghề nghiệp... Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng ta, nghề CTXH mới chỉ là bắt đầu; mọi mặt từ cơ sở vật chất đến con người còn thiếu, yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ và xã hội đặt ra; những vấn đề như hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách đãi ngộ… còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ nên đã tác động không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả của CTXH, đòi hỏi cần phải được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa.
PV: Ông có thể cho biết phương hướng thực hiện Đề án 32 giai đoạn 2016-2020 của Hà Nội?
Ông Đặng Văn Bất: Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 32, ngày 22-7-2016, Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành Quyết định số 990/QĐ-LĐTBXH về kế hoạch tổng thể thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2016-2020.
Đối với Hà Nội, Sở LĐ-TBXH đang tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 990/QĐ-LĐTBXH của Bộ LĐ-TB-XH giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố. Với chức năng quản lý nhà nước và là ngành chủ quản lĩnh vực này, chúng tôi cho rằng: Các cấp, các ngành cần tiếp tục và quyết liệt hơn về công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức từ các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, ý nghĩa của Đề án 32, mà cụ thể là hiểu và phân định rõ ràng về CTXH và nghề CTXH trong hệ thống nghề của Việt Nam, để từ đó có sự quan tâm về mọi mặt từ công tác chỉ đạo, đầu tư về cơ sở vật chất, về tổ chức bộ máy, về công tác đào tạo nhân lực mang tính hệ thống, đồng bộ và toàn diện để có sự phát triển bền vững của nghề CTXH.
Về phần mình, Ngành LĐ- TB-XH Thủ đô sẽ tích cực, chủ động tham mưu cho UBND TP Hà Nội trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả sự chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ LĐ-TBXH; Chủ động xây dựng kế hoạch của ngành để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án 32, Ngành LĐ-TB-XH Thủ đô đề nghị Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục quan tâm giúp đỡ về mọi mặt đối với Hà Nội và rất mong các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa với Ngành LĐ-TB-XH Hà Nội để công tác Lao động - TB-XH nói chung và việc phát triển nghề CTXH nói riêng của TP Hà Nội được thực hiện hiệu quả cao hơn nữa để góp phần đắc lực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của Thành phố theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI đề ra.
PV: Xin cảm ơn ông!