Mối lo bác sỹ “non tay”

Giáo dục - Ngày đăng : 09:24, 30/09/2016

Số lượng cơ sở đào tạo nhân lực y tế đang có xu hướng tăng nhanh với số điểm đầu vào thấp hơn hẳn so với những trường có thương hiệu. Trong khi đó, việc kiểm soát chất lượng đào tạo đang gặp nhiều khó khăn, tiêu chí thành lập các cơ sở đào tạo còn đơn giản, nhất là chuyên môn của giảng viên và bệnh viện thực hành.


Dễ dàng vào đại học Y, dược

Kết thúc mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015 - 2016, một lần nữa dư luận lại dấy lên những băn khoăn về việc làm thế nào kiểm soát chặt chất lượng đào tạo nhân lực y tế, khi điểm đầu vào đại học Y tại một số trường thấp, chạm điểm sàn và nhất là vụ việc trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tự ý mở và tuyển sinh ngành đào tạo y đa khoa và Dược học khi Bộ GD - ĐT chưa cấp phép.


Phòng thực hành Dược liệu - Thực vật của Khoa Dược trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.


Mặc dù chưa được liên Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Y tế thống nhất cho phép mở ngành nhưng trong đợt 1 xét tuyển đại học, cao đẳng 2015 - 2016, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã thông báo mức điểm trúng tuyển vào ngành y đa khoa của trường là 18 điểm. Trước sự phản ứng dữ dội của dư luận, một ngày sau đó, cơ sở đào tạo này đã phải rút thông báo tuyển sinh. Trong khi chờ kết luận cuối cùng về việc ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có được cấp phép đào tạo y đa khoa hay không thì hàng trăm sinh viên Lào, đã đăng ký và học dự bị 1 năm ngành học này, phải xin rút hồ sơ để xin học ở trường khác. “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”, thực tế này càng khiến dư luận thêm nghi ngại về chất lượng đào tạo ở các cơ sở đào tạo đa ngành nhưng lại không hề có bề dày về đào tạo y, dược.

Nhưng điều mà dư luận băn khoăn hơn cả là cùng đào tạo trình độ đại học song điểm đầu vào của một số trường như ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, ĐH Y Hà Nội thường ở mức cao, 26 - 28 điểm; còn ở nhiều cơ sở đào tạo mới mở thì chỉ lấy khoảng 17 điểm, thậm chí bằng đúng điểm sàn. Đơn cử, năm nay, Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) tuyển sinh ngành bác sĩ đa khoa (khối B) là 20 điểm và dược sĩ (khối A, B) 15 điểm, còn đợt tuyển sinh 2014, 2015 mức điểm tuyển sinh ngành y đa khoa của trường này là 17 điểm. Năm 2016, trường ĐH Hồng Bàng tuyển ngành điều dưỡng và kỹ thuật y học bậc ĐH có điểm chuẩn nguyện vọng (NV) 1 bằng sàn khối B là 15 điểm, ngành dược học là 16 điểm (khối A, B). Năm 2015, trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ) ngành dược sĩ ĐH (khối A, B) và điều dưỡng (khối B) cũng có điểm chuẩn trúng tuyển bằng điểm sàn 15 điểm năm nay trường không tuyển sinh hai ngành này)…

Theo thống kê, chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng cơ sở đào tạo đại học y đã tăng nhanh, nếu trước năm 2000 chỉ có 8 trường thì đến năm 2016 đã lên tới 24 trường. Và ngay một đại diện Bộ Y tế cũng thừa nhận, tiêu chí thành lập các cơ sở đào tạo nhân lực y tế hiện còn đơn giản, nhất là chuyên môn của giảng viên và bệnh viện thực hành.

Từ thực tế giảng dạy trực tiếp tại nhiều trường đại học vùng, đại học đa ngành có đào tạo ngành sức khỏe, đặc biệt là y đa khoa và dược học, một số bác sĩ đi thỉnh giảng cũng phản ánh, điều kiện cơ sở vật chất của không ít cơ sở đào tạo còn thiếu thốn, thiếu phòng thực hành và điều điều kiện thực nghiệm nên ảnh hưởng khá nhiều đến quá trình giảng dạy.

Tiêu chí giảng viên và bệnh viện thực hành

Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức về thực trạng đào tạo nhân lực y tế hiện nay, nhiều chuyên gia y tế tỏ ra rất lo ngại về nguy cơ thiếu bác sĩ giỏi và thừa những người có trình độ chuyên môn thấp nếu không sớm thắt chặt công tác cấp phép, mở rộng các cơ sở đào tạo.

PGS.TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, lo ngại: “Khi thẩm định cấp phép, đơn vị đào tạo sẽ có đầy đủ trang thiết bị, đội ngũ giáo viên… Nhưng sau đó, rất có thể trang thiết bị không còn được như ban đầu, đặc biệt là số lượng giảng viên cũng có thể giảm đi do mối quan hệ với nhà trường, do thu nhập… Do đó, cần phải kiểm soát chặt việc tuân thủ các tiêu chí về đội ngũ giảng dạy, cơ sở thực hành”.

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, y tế là một ngành rất đặc thù, nếu cơ sở đào tạo không đảm bảo được đủ số giảng viên cơ hữu và bệnh viện thực hành thì sẽ cho ra trường những bác sĩ chất lượng thấp. Vậy nên, không phải đơn giản mà chất lượng đào tạo tại một số trường có thương hiệu như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh… luôn cao hơn hẳn các cơ sở đào tạo khác. Tại đây, có đội ngũ giảng viên cơ hữu hùng hậu, sinh viên còn được đào tạo tại các BV thực hành lớn nên trình độ tốt hơn hẳn nhờ được va chạm với nhiều bệnh, thực hành nhiều, các thầy, cô giảng dạy có trình độ và luôn cập nhật kiến thức mới.

Theo GS.TS Phạm Minh Thông, muốn kiểm soát chất lượng sinh viên sau khi ra trường thì các trường, cơ sở đào tạo phải tuân thủ theo khung trình độ quốc gia chung trên toàn quốc (hiện nay chưa có). Trong các cơ sở đào tạo phải có đội ngũ giảng viên cơ hữu, là những cán bộ của chính đơn vị đó chứ không phải là của các đơn vị khác về “ghi danh”. Đặc biệt, các cơ sở đào tạo phải có bệnh viện thực hành đạt tiêu chuẩn (Bộ Y tế đã xây dựng Dự thảo Nghị định về tổ chức đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe). Như tại nhiều nước trên thế giới, trưởng hoặc phó khoa của bệnh viện thực hành phải là giáo sư, phó giáo sư để đảm bảo đủ năng lực giảng bài và hướng dẫn thực hành cho sinh viên.

Theo Tin tức