Tiến độ di dời bệnh viện ra ngoại thành: Vẫn giậm chân tại chỗ!

Đời sống - Ngày đăng : 06:26, 30/09/2016

(HNM) - Đã gần 2 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg (ngày 23-1-2015) về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện (BV), cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội nhưng riêng đối với BV, tiến độ di dời vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Bệnh viện Bạch Mai ở khu vực có mật độ dân số cao, hằng ngày tiếp nhận lưu lượng lớn người thăm khám, điều trị. Ảnh: Khánh Huy


Hà Nội đã thực hiện nhiệm vụ được giao là giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng cơ sở mới để phục vụ việc di dời. Nhưng Bộ Y tế, đơn vị được Thủ tướng giao chủ trì lập danh mục, cụ thể hóa tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời cơ sở y tế ra khỏi nội thành dường như vẫn "án binh bất động"?

Có "mới" vẫn giữ "cũ"

Trên địa bàn TP Hà Nội tập trung phần lớn BV tuyến trung ương khu vực phía Bắc. Riêng 4 quận "lõi", gồm Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, hiện có 16 cơ sở y tế, trong đó 12 cơ sở cấp trung ương, 4 cơ sở của bộ, ngành. Hệ thống y tế này nhiều năm nay quá tải trầm trọng, nhiều cơ sở có công suất hoạt động trên 200%. Hoạt động của nhiều BV trên cùng một địa bàn thời gian qua đã tạo sức ép rất lớn đến hạ tầng đô thị.

Phố Phủ Doãn (quận Hoàn Kiếm), nơi "đóng đô" của BV Hữu nghị Việt - Đức “không có vỉa hè” dành cho người đi bộ. Trong khuôn viên của BV không có chỗ gửi xe nên mặt tiền BV trở thành bãi giữ xe. Phía vỉa hè bên kia của phố Phủ Doãn cũng nhộn nhịp, tấp nập không kém với đủ các loại hàng quán phục vụ nhu cầu của bệnh nhân và người nhà của họ. Khoảng trống trên vỉa hè, người bán hàng rong ngồi la liệt. Cách BV Việt - Đức chỉ vài bước chân, các BV tuyến cuối như BV Phụ sản trung ương, BV K, BV Răng - Hàm - Mặt, tình trạng cũng tương tự…

Nhằm giảm áp lực về hạ tầng, giao thông cho khu vực trung tâm trong đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030 sẽ phải di dời hàng loạt BV, trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành. Các BV được đề xuất di dời chủ yếu là các BV truyền nhiễm nằm trong khu vực mật độ dân cư dày đặc và các BV có lượng chất thải y tế lớn không có khả năng xử lý bao gồm: BV Mắt trung ương, Phụ sản trung ương, Nhi trung ương, Châm cứu trung ương, Y học cổ truyền trung ương, Hữu nghị Việt - Đức, Viện K, Tai Mũi Họng, Lao và Bệnh phổi trung ương, Nội tiết, Đại học Y Hà Nội, Hữu nghị và Bạch Mai.

Cảnh quá tải tại cổng Bệnh viện Việt - Đức.Ảnh: Khánh Huy


Tại Điều 2 của Quyết định 130-QĐ/TTg năm 2015, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội chuẩn bị quỹ đất xây dựng, nơi được di dời đến phải phù hợp với vị trí, quy mô, chức năng theo quy hoạch xây dựng. Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, thời gian qua, thành phố đã xem xét, giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng cơ sở mới để phục vụ việc di dời. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng định hướng hình thành tổ hợp y tế để bố trí cho các bệnh viện trung ương, tại: Gia Lâm - Long Biên (50ha), Hòa Lạc (200ha), Sóc Sơn (100ha), Phú Xuyên (200ha), Sơn Tây (50ha). Song, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cơ sở y tế tại nội thành như nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao. Do vậy, việc di dời BV không những không thực hiện được mà các BV vẫn tiến hành nâng cấp, sửa chữa, xây dựng với quy mô ngày một to đẹp hơn. Ngược lại, việc đề xuất sử dụng quỹ đất sau di dời để xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội của thành phố và giảm tải về người, phương tiện cho nội đô chưa thực hiện được.

Trong những ngày qua, thông tin BV Bạch Mai quyết định đóng cửa các bãi gửi xe đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận đồng thời càng đặt ra câu hỏi về thực hiện chủ trương mà Chính phủ đã đề ra. Việc đóng cửa bãi gửi xe để BV xây dựng thêm khu tổ hợp khám, chữa bệnh (KCB) và điều trị trong ngày, gồm 9 tầng nổi và 3 tầng hầm. Dự kiến sau hoàn thành, khu tổ hợp mới này sẽ đáp ứng nhu cầu KCB cho khoảng 8.000 lượt người (gấp đôi hiện nay). Khi phóng viên Báo Hànộimới đề cập kế hoạch di dời BV ra ngoại thành, Phó Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền khẳng định, BV chưa nhận được chủ trương nào từ cơ quan chức năng về việc phải di dời. “Việc BV nâng cấp, cải tạo cơ sở hiện có với mong muốn có số giường bệnh đầy đủ để có thể điều trị, chăm sóc tốt cho bệnh nhân, bệnh nhân không phải nằm ghép, chất lượng điều trị cao hơn” - ông Nguyễn Ngọc Hiền giải thích thêm.

Hiện có 8 BV đã và đang thực hiện di dời, trong đó 2 cơ sở (BV K cơ sở 2 và BV Nội tiết cơ sở 2) đã đi vào hoạt động, nhưng những cơ sở cũ trong nội đô vẫn tiếp tục được sử dụng. Đặc biệt, BV K có thêm hai cơ sở điều trị mới ở Tam Hiệp và Tân Triều (Thanh Trì), thế nhưng cơ sở chính ở Quán Sứ vẫn được duy trì, thậm chí còn luôn trong tình trạng quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép 2-3 người/giường.

Bao giờ mới "chuyển động"?

Khi còn đương nhiệm, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam từng cho rằng, trước mắt, các cơ sở y tế ở khu vực nội thành vẫn hoạt động bình thường để đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Còn chuyện di dời các cơ sở KCB sẽ làm, nơi đến gọi tạm là cơ sở 2. Những địa điểm hiện tại, Bộ Y tế đề xuất với TP Hà Nội xin được giữ lại làm viện nghiên cứu. Khi nào xây dựng xong các cụm y tế mới tiến hành di dời.

Còn bên lề hội nghị đổi mới tổ chức bộ máy và tài chính y tế do Bộ Y tế tổ chức ngày 28-9, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới: “Vì sao Bộ Y tế vẫn chưa xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình và giải pháp di dời cơ sở y tế tại nội thành như nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao? Và vì sao đến nay, một số BV dù đã có cơ sở 2 nhưng vẫn duy trì cơ sở 1 ở nội thành, chưa thực hiện việc di dời?”, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên chỉ trả lời ngắn gọn là do thiếu vốn và quan điểm của Bộ Y tế là luôn vì người bệnh, phải đặt quyền lợi của người bệnh lên trên hết.

Để khuyến khích các cơ sở phải di dời ra khỏi khu vực nội thành, trong đó có BV, tại hội thảo sơ kết 3 năm thi hành Luật Thủ đô mới đây, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lê Chính Trực cũng đề nghị bổ sung chính sách cân bằng lại lợi ích và sự phát triển; khuyến khích, ưu đãi về đất đai, cơ sở hạ tầng điểm đến, bởi thực tế sức hút ở khu vực nội đô trung tâm vẫn rất lớn.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Hà Nội đã giới thiệu khu vực Pháp Vân - Cầu Giẽ, Láng - Hòa Lạc để các BV xây dựng cơ sở mới; nếu triển khai được, một lượng lớn người, phương tiện không phải vào nội đô, góp phần giải quyết được ô nhiễm, ùn tắc giao thông, áp lực gia tăng dân số… Chính phủ và TP Hà Nội đã có cái nhìn dài hạn, hướng tới xây dựng Thủ đô bền vững, vấn đề là các bộ, ngành cũng phải vì Hà Nội, đặt lợi ích chung của xã hội lên trên hết, để quyết liệt triển khai.

"Đặt quyền lợi của người bệnh lên trên hết" là rất đúng trong phương châm phục vụ. Nhưng di dời BV đến nơi có đủ diện tích để người bệnh không phải bị "hành" từ khi vào chỗ gửi xe, không phải nằm ghép vì quá tải, các y, bác sĩ cũng đủ diện tích và điều kiện chuẩn để thực hiện công tác khám, chữa bệnh... cũng chính là vì quyền lợi bệnh nhân, vì chính các BV, mà còn vì trách nhiệm với cả xã hội!

Thu Trang - Gia Khánh