Doanh nghiệp “bắt tay” với người làm nông nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 06:32, 30/09/2016
"Đôi bên cùng thắng"
Tập đoàn Vingroup vừa khởi động “Chương trình liên kết 1.000 hợp tác xã và hộ nông dân” để cung ứng nông sản sạch cho thị trường. Giữa nỗi lo thực phẩm "bẩn" hằng ngày thì động thái này đã góp phần giúp người tiêu dùng yên tâm. Việc DN đồng hành cùng người nông dân, liên kết sản xuất là một trong những mục tiêu của Ngành Nông nghiệp đề ra trong đề án tái cơ cấu thực hiện trong 3 năm qua.
Đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng trọt, độ rủi ro thường rất cao. Rủi ro bao gồm nhiều yếu tố, từ thời tiết, gieo trồng đến chế biến, vận chuyển, tiêu thụ... Lý giải về sự khác biệt của chương trình liên kết lần này, đại diện Vingroup cho biết, thông qua Công ty Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco (VinEco), Tập đoàn sẽ đào tạo và hướng dẫn các hộ nông dân có nhu cầu về quy trình sản xuất sạch; hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật và giống; kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất và trước thu hoạch; thu mua sản phẩm và hỗ trợ phát triển thương hiệu. Với việc kiểm soát khép kín từ đồng ruộng đến siêu thị, chương trình sẽ giảm được tối đa các khâu trung gian, tập trung nâng cao chất lượng nông sản cung ứng ra thị trường.
Đại diện VinEco, đơn vị trực tiếp triển khai chương trình hỗ trợ nông dân chia sẻ: "Cam kết của Vingroup đưa ra là giúp nông dân sản xuất, thu lời hiệu quả nhất trên chính mảnh ruộng của họ. Đổi lại, chúng tôi có nông phẩm sạch, đa dạng, chủ động cung cấp cho thị trường. Đây là mối quan hệ kinh tế "đôi bên cùng có lợi", nên nếu được triển khai bài bản, chắc chắn sẽ có hiệu quả bền vững. Khi người nông dân tự “đứng trên đôi chân của mình”, làm chủ quy trình sản xuất và có thương hiệu riêng, sẽ không ai muốn trở lại phương thức sản xuất cũ”.
Để kiểm soát chất lượng và bảo đảm cho thương hiệu của mình, VinEco sẽ đầu tư trang thiết bị để ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng mã QR, bảo đảm minh bạch hóa thông tin về địa điểm sản xuất, thời điểm thu hoạch. Người tiêu dùng có thể dễ dàng tra cứu thông tin nông sản trong chương trình bằng smartphone bất cứ lúc nào. Trong liên kết chuỗi ngành hàng nông nghiệp, người ta thường nói đến liên kết 4 “nhà”: Nhà nông - nhà khoa học - DN và Nhà nước. Thuần túy ở góc độ kinh tế thì vai trò của nông dân và DN được xác định là trọng tâm của chuỗi liên kết này. Nhìn gần hơn, chỉ khi DN "mở lòng" với nông dân, cùng chí hướng xây dựng thương hiệu nông sản an toàn thì mối liên kết này mới có thể bền vững.
Cái “bắt tay” bền chặt
Theo các chuyên gia, nông nghiệp Việt Nam phải phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị gia tăng cao và bền vững, dựa trên nền tảng hộ nông dân chuyên nghiệp, kinh tế hợp tác và DN. Trong đó, DN đóng vai trò chủ đạo phát triển chuỗi giá trị, gắn nông dân và hợp tác xã với thị trường, xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn, nâng cao khả năng cạnh tranh, áp dụng công nghệ phù hợp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn cả về kinh tế - xã hội và môi trường. Đến thời điểm này, các “xung lực” để kéo DN đầu tư vào nông nghiệp đã tụ hội khá đầy đủ. Nếu trước đây, chỉ có một số ít DN vừa và nhỏ đầu tư vào nông nghiệp, nay các DN đã đầu tư theo chuỗi, từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Hiện tại, mới chỉ khoảng 1% DN đầu tư vào nông nghiệp. Với mô hình liên kết trên, Vingroup đã đóng góp thêm một "viên gạch" vững chắc để hình thành "chỗ dựa" cho người nông dân. Hơn lúc nào hết, ngành Nông nghiệp nói chung, người làm nông nghiệp nói riêng rất cần những cái "bắt tay" bền chặt có hiệu ứng lan tỏa tích cực như thế này.