Động lực phát triển kinh tế tập thể
Kinh tế - Ngày đăng : 06:37, 30/09/2016
Mô hình trang trại nuôi lợn tại Hợp tác xã Ngũ Châu (huyện Đan Phượng).Ảnh: Thái Hiền |
Xuất hiện nhiều điển hình
Hà Nội có 1.447 HTX đang hoạt động, bao gồm 974 HTX nông nghiệp (NN), 473 HTX phi NN... Nhiều HTX đã đổi mới mô hình hoạt động theo hướng kinh doanh tổng hợp gắn với sản xuất, chế biến nông sản... giúp hộ thành viên tiếp cận tiến bộ khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa...
HTX NN An Mỹ (Mỹ Đức) được đánh giá là nơi nông dân trồng lúa lãi nhất, "nhàn" nhất Thủ đô. Ở đây, các khâu sản xuất từ làm đất, gieo cấy, thu hoạch đều đã được cơ giới hóa 100%. Giám đốc HTX NN An Mỹ Nguyễn Văn Tài cho biết, với 280ha đất trồng lúa, việc thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, áp dụng phương pháp gieo thẳng giảm được nhiều chi phí về giống, vật tư phân bón, ngày công lao động, năng suất lúa đã tăng từ 7 đến 10%. Toàn bộ sản lượng thóc của HTX đều được các công ty giống thu mua với giá cao hơn thị trường 10%. Ngoài ra, HTX còn lập quy hoạch, chuyển đổi 5ha đất lúa kém hiệu quả sang phát triển 7 trang trại, chăn nuôi 3.500 con lợn...
HTX Dịch vụ thương mại Dương Liễu (Hoài Đức) là HTX đầu tiên của Hà Nội chuyển đổi thành công, hoạt động theo Luật HTX năm 2012. HTX duy trì 13 khâu dịch vụ có hiệu quả và kinh doanh dịch vụ đa ngành nghề.
Đơn vị đã tăng vốn góp từ 151.433 đồng/hộ lên 1.175.000 đồng/hộ, huy động vượt mức tối thiểu hơn 900 triệu đồng. Sau khi tổ chức lại theo luật, HTX đã kết nạp mới 30 hộ, nâng số thành viên lên 2.461 hộ, vốn điều lệ đạt 3,8 tỷ đồng, tăng 3,2 tỷ đồng so với trước đây. HTX bảo đảm thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng, nộp thuế 570 triệu đồng/năm.
HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ (Ứng Hòa) cũng là một trong những điển hình trong chăn nuôi lợn siêu nạc khép kín với số lợn nái lên tới 3.700 con, lợn thịt 84.000 con/ năm, chủ yếu chăn nuôi xa dân cư, hằng năm cung cấp cho thị trường TP Hà Nội 8.500 tấn thịt lợn. Doanh thu của HTX đạt 45 tỷ đồng/năm, nộp thuế 9 tỷ đồng. Tại đây thu hút, tạo điều kiện cho hơn 100 lao động có việc làm ổn định với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Nhân rộng HTX kiểu mới
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Nguyễn Quang Mạnh, nhiều phong trào thi đua, xây dựng HTX điển hình tiên tiến gắn với các chương trình hỗ trợ cụ thể như: Tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn cho cán bộ HTX; lấy ý kiến tham vấn của sở, ngành liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho HTX; hỗ trợ HTX vay vốn thông qua Quỹ Hỗ trợ HTX… đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế tập thể của thành phố phát triển. Ngoài ra, Liên minh HTX thành phố còn xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn cho các HTX trong tổ chức lại, xây dựng HTX kiểu mới. Liên minh đã làm tốt công tác tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố về phát triển kinh tế tập thể. Đến nay, ở nhiều lĩnh vực đều có các điển hình tiên tiến có thể nhân rộng như: HTX Vận tải Nội Bài, Quỹ Tín dụng nhân dân Vân Canh, HTX NN An Mỹ, HTX Dương Liễu…
Dù HTX NN nói riêng, khu vực kinh tế tập thể nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng luôn là mô hình thích hợp để hỗ trợ các hộ nông dân phát triển kinh tế, hình thành vùng sản xuất hàng hóa, theo tiêu chuẩn đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, đồng thời giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới...
Thời gian tới, để các điển hình thực sự phát huy vai trò, hiệu quả, phát triển bền vững, Liên minh HTX Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn các HTX hoạt động tuân thủ nguyên tắc tổ chức và hoạt động theo luật; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ chủ chốt; hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu, phát triển dịch vụ bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Trong giai đoạn 2016-2020, Liên minh HTX Hà Nội sẽ xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX mới; xây dựng mỗi huyện, thị xã có từ 2 đến 5 HTX điển hình tiên tiến…