HSBC: Tiềm ẩn lạm phát gia tăng tại Việt Nam

Kinh tế - Ngày đăng : 15:11, 30/09/2016

(HNMO) - Lạm phát hiện không phải là mối quan ngại lớn đối với Việt Nam vì vẫn được duy trì ở dưới mức mục tiêu 5%. Tuy nhiên, theo Ngân hàng HSBC, vấn đề này cần được theo dõi sát sao bởi áp lực giá cả đang ngày càng tăng.


Tại báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam, triển vọng thị trường Việt Nam được công bố ngày 30/9, Ngân hàng HSBC cho rằng, Việt Nam có một số điểm tích cực. Khảo sát về chỉ số PMI của tháng 8 thể hiện lĩnh vực sản xuất của Việt Nam – lĩnh vực thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất - tiếp tục tăng trưởng tháng thứ chín liên tiếp trong bối cảnh một số nước châu Á và hầu hết các nền kinh tế phương Tây đang phải vật lộn để giữ trên mức có tăng trưởng. Hơn nữa, mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang gặp rất nhiều khó khăn, nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa của Việt Nam vẫn khá mạnh mẽ.

(ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Tuy nhiên, vẫn có một vài điều quan ngại bao trùm lên nền kinh tế Việt Nam, trong đó lạm phát tăng vẫn là rủi ro tiềm ẩn. Lạm phát mỗi tháng đều tăng và trong tháng 9 đã đạt mức 3,3%. Trong khi đó, lạm phát cơ bản của tháng 9 cũng tăng đạt mức 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi giảm nhẹ trong tháng 8.

Giá cả thực phẩm và nhiên liệu đều tăng trong tháng 9. Thực phẩm được cung cấp đầy đủ đã giúp giá cả mặt hàng này giảm nhẹ trong tháng 8. Nhưng các điều kiện về khí hậu và thổ nhưỡng không thuận lợi đã cản trở và đẩy lạm phát giá lương thực thực phẩm lên cao hơn. Ngày 20/8 vừa qua các nhà kinh doanh xăng dầu đã tăng giá xăng tương ứng với giá dầu thô toàn cầu. Giá bán lẻ xăng đã cao hơn 5-7%, xăng RON 92 đã tăng 4,6%, xăng E5-năng lượng thay thế xanh-cũng đã tăng 6,8% trong khi dầu diesel tăng 2%.

Năm học mới bắt đầu cũng làm chi phí giáo dục gia tăng đáng kể khi nhiều tỉnh thành đã điều chỉnh học phí để thực hiện một nghị định do Chính phủ ban hành từ năm ngoái. Lạm phát nhiều khả năng sẽ cảm nhận lực đẩy nguồn cung tiền tăng cao cũng như tăng trưởng tín dụng.

Chưa hết, Hội đồng Tiền lương quốc gia Việt Nam vừa quyết định tăng mức lương tối thiểu trung bình hàng tháng thêm 7,3% cho người lao động trên toàn quốc bắt đầu từ năm 2017. Mặc dù đây là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ năm 1997 nhưng mức tăng trung bình này vẫn còn cao hơn mức lạm phát hiện tại, vì vậy có thể sẽ thúc đẩy lần tăng giá thứ hai.

“Áp lực về giá gia tăng sẽ làm giới hạn khả năng nới lỏng tiền tệ thêm nữa tại Việt Nam”, HSBC nhận định.

Trong khi đó, mặc dù hệ thống tài chính được cung cấp thanh khoản khá đầy đủ trong thời điểm này, lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn khá "khó chịu": Các ngân hàng vẫn tiếp tục thận trọng căn cứ vào các khoản nợ xấu lại tăng trong những tháng gần đây.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang khuyến khích các tổ chức tín dụng gia tăng cho vay nhưng cũng gợi ý nên tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm các hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại chứ không nên vào bất động sản.

T.Hương