Đấu thầu để nâng cao hiệu quả

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:09, 01/10/2016

(HNM) - Thay vì phải chi khoản tiền “khổng lồ” 886 tỷ đồng mỗi năm cho các hoạt động duy tu, cắt tỉa cây, hoa, thảm cỏ… giờ đây TP Hà Nội có thể tiết kiệm được 708 tỷ đồng ngân sách dành cho dịch vụ công ích này sau khi rà soát lại các chi phí bất hợp lý.


Thông tin trên được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đưa ra trong buổi làm việc với tổ công tác của Thủ tướng mới đây đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi chỉ với 178 tỷ đồng mỗi năm, việc cắt cỏ, tỉa cây, trang trí đường phố chắc chắn sẽ đẹp hơn - như quả quyết của người đứng đầu chính quyền thành phố.

Sự quan tâm của công luận cũng hoàn toàn dễ hiểu khi mỗi năm TP Hà Nội chi khoảng 4.000 tỷ đồng ngân sách (trong đó 2.000 tỷ đồng do ngân sách quận, huyện chi theo phân cấp) cho “chiếc bánh” các dịch vụ công ích như: Thu gom vận chuyển rác thải, duy trì công viên, cây xanh, thoát nước và xử lý nước thải đô thị... Điều đáng nói, phần lớn khoản chi này đều theo phương thức đặt hàng chứ chưa qua đấu thầu, chào giá cạnh tranh công khai nên còn bộc lộ nhiều bất hợp lý.

Theo Quyết định số 77/2014/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, ban hành ngày 10-10-2014 về Quy chế lựa chọn nhà thầu, thì doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế có sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đều được tham gia. Việc lựa chọn hình thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện theo thứ tự ưu tiên: Đấu thầu, chỉ định thầu, đặt hàng và giao kế hoạch. Các đơn vị khi tham gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có các quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của Chính phủ.

Thế nhưng, trên thực tế cánh cửa trúng thầu trong các dự án đấu thầu dịch vụ công ích của thành phố vẫn chỉ rộng mở với các công ty cổ phần có vốn nhà nước, hoặc các đơn vị công ích trực thuộc UBND thành phố. DN tư nhân hầu như không có cơ hội thắng thầu. Không những thế, một số hồ sơ mời thầu còn "cài" nhiều yêu cầu khó, mà không phải DN, nhà thầu tư nhân nào cũng có thể đáp ứng được. Vì thế, các DN công ích nhà nước mới là nơi được “đặt hàng” cung ứng các sản phẩm và dịch vụ trên, những thành phần kinh tế khác khó có cơ hội tham gia. Điều này đã tạo ra tình trạng độc quyền trong cung ứng các sản phẩm và dịch vụ công ích, khiến các cơ quan chức năng liên quan khó quản lý và kiểm soát.

Để chủ trương khuyến khích đấu thầu, chào giá cạnh tranh và chỉ đặt hàng ở những nơi không thể thực hiện đấu thầu các dịch vụ công ích của thành phố đạt kết quả như mong muốn, việc từng bước xóa bỏ cơ chế đặt hàng hay chỉ định mang tính “xin - cho", thậm chí là khoản "lót tay" là cần thiết. Mọi thành phần kinh tế cần phải được bình đẳng. Việc đấu thầu phải lựa chọn được những nhà thầu có năng lực thực sự, kinh nghiệm… với chi phí hợp lý, phù hợp với các quy định của pháp luật. Thông qua cơ chế đấu thầu minh bạch, thành phố sẽ tiết kiệm được một khoản ngân sách không nhỏ, thay vì cứ liên tục rót tiền cho một công ty thực hiện nhưng hiệu quả thì không như mong muốn.

Để hoạt động đấu thầu dịch vụ công ích được tiến hành hiệu quả, việc phân cấp quản lý một cách hợp lý, tùy theo tính chất của danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích mà sử dụng hình thức đấu thầu để chống độc quyền và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các DN công ích là việc cần làm.

Đình Hiệp