Kính già - già để tuổi cho!
Xã hội - Ngày đăng : 08:11, 01/10/2016
Già hóa dân số tăng nhanh
Cụ Triệu Đức Hiển (82 tuổi, Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi số 9, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) rất vui khi được tham gia buổi lễ gặp mặt, tôn vinh NCT do UBND quận tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế NCT 1-10 năm nay. Cụ cho rằng, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chăm lo của xã hội, cộng đồng, gia đình, NCT được sống vui, sống khỏe. Điều đó chính là nguyên nhân khiến NCT ngày càng sống lâu, đạt tuổi thọ bình quân vượt qua nhiều so với cái tuổi được mệnh danh là “xưa nay hiếm”. Nhận thức rõ điều này, cụ đã nỗ lực tự rèn luyện, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh tật, tích cực tham gia các phong trào thi đua của Hội NCT, đoàn kết cộng đồng, đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền...
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, không phải NCT nào cũng được quan tâm, chăm lo, phát huy vai trò như cụ Hiển. Tại hội thảo “Những tác động kinh tế của già hóa” diễn ra tại Hà Nội mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam chỉ có 15 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già. Năm 2014, Việt Nam có 3,2% NCT và 16,4% những người trên 80 tuổi sống đơn thân; phụ nữ chiếm 59% NCT. Con số này sẽ tăng lên trong tương lai do tốc độ già hóa dân số nhanh chóng, làn sóng di cư của những người trẻ tuổi ngày một tăng, số cặp vợ chồng sống chung với các thế hệ ông bà, cha mẹ ngày một giảm đi. NCT sống ở vùng nông thôn và phụ nữ cao tuổi là những đối tượng dễ rơi vào tình trạng sống đơn thân. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm những khó khăn của NCT.
Về sức khỏe, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương, GS.TS Phạm Thắng cho biết, trung bình NCT mắc 6,9 bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, ung thư, đột quỵ… cần nhiều thời gian điều trị, hoặc thậm chí phải điều trị suốt đời. Bên cạnh đó, NCT sử dụng 50% tổng lượng thuốc, chi phí y tế cho người già cao gấp 7-10 lần so với người trẻ tuổi. Tuy nhiên, hiện khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho NCT còn nhiều hạn chế, thiếu các cơ sở y tế (bệnh viện, nhà dưỡng lão, trạm y tế…), thiếu nhân lực.
Phát huy vai trò người cao tuổi
Từ năm 1991, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định, chăm sóc NCT là chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước và đã ban hành hơn 60 văn bản pháp quy về các chế độ, chính sách chăm sóc, phát huy vai trò NCT. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam từng cảnh báo, nếu không có gì thay đổi, 20 năm nữa, số người trẻ tuổi của Việt Nam sẽ bằng số NCT. Không chỉ quan tâm vấn đề chăm lo sức khỏe, y tế, văn hóa, Chính phủ còn có chính sách phát triển kinh tế hướng tới đưa phương thức sản xuất mới, công nghệ mới phù hợp với sức khỏe của người lao động cao tuổi, thích ứng với hoàn cảnh Việt Nam hiện có nhiều NCT là nông dân, ở vùng sâu, vùng xa.
Tuy vậy, trên thực tế vẫn còn hiện tượng NCT bị ngược đãi, phân biệt đối xử; một số cơ quan, chính quyền chưa thực sự tôn kính NCT. Tại cơ sở khám chữa bệnh, NCT chỉ được khám qua loa, đại khái, bị cho rằng “già rồi cần gì phải khám kỹ”; không ít NCT bị gạt ra khỏi các hoạt động xã hội…
Ai cũng có tuổi già. Người già là cả kho tàng tri thức, kinh nghiệm. Trên cả nước, hơn 60% NCT vẫn đang lao động sản xuất; hàng trăm nghìn NCT là chủ trang trại, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho gia đình và xã hội. Năm năm qua, hơn 350.000 NCT đã được tôn vinh là những tấm gương lao động giỏi. Để phát huy vai trò, giúp NCT đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, xã hội, các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, xã hội, chống phân biệt tuổi tác. Bên cạnh việc chăm sóc NCT, rất cần có chính sách cho vay vốn, tạo việc làm phù hợp, giúp NCT phát triển sản xuất, kinh doanh nuôi sống bản thân, tích lũy để tự bảo đảm an sinh, đóng góp xây dựng xã hội.