Lởn vởn “bóng ma” khủng hoảng

Thế giới - Ngày đăng : 06:56, 01/10/2016

(HNM) - Tám năm sau khi ngân hàng lớn thứ 4 của nước Mỹ Lehman Brothers gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bằng vụ phá sản làm rung chuyển tất cả các thị trường, nhiều nhà đầu tư trên thế giới lại đứng trước một mối lo mới từ cái tên Deutsche Bank - tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất của Đức.

Thị trường tài chính toàn cầu đang theo dõi sát sao thông tin liên quan tới Ngân hàng Deutsche Bank.


Theo Hãng tin tài chính Bloomberg, kết thúc phiên giao dịch ngày 29-9, giá trị cổ phiếu Deutsche Bank tiếp tục “bốc hơi” 6,7%, xuống mức thấp kỷ lục khi xuất hiện thông tin một vài quỹ phòng ngừa đã rút hết lượng tiền mặt dư thừa tại ngân hàng này. Sự lao dốc của cổ phiếu cùng mối lo lắng ngày càng gia tăng về độ ổn định của Deutsche Bank là một trong những nguyên nhân khiến sàn chứng khoán Dow Jones (Mỹ) giảm gần 200 điểm. Những khó khăn đối với Deutsche Bank được dư luận biết đến từ cuối tháng 1, khi ngân hàng này công bố tình trạng lỗ ròng khoảng 7,3 tỷ USD trong năm 2015 do việc kinh doanh trái phiếu giảm, thâm hụt tài sản, phí kiện tụng và chi phí tái cơ cấu. Kể từ thời điểm đó tới nay, cổ phiếu Deutsche Bank đã giảm 50% và ngân hàng này mất gần 2/3 giá trị kể từ tháng 10-2015. Mới đây, Deutsche Bank công bố lợi nhuận quý II-2016 giảm tới 98%. Các quy định chặt chẽ hơn sau thời kỳ khủng hoảng tài chính thế giới được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng thua lỗ của Deutsche Bank. Cụ thể, việc siết chặt quy định giúp các ngân hàng đầu tư cốt lõi an toàn hơn, nhưng tác động tiêu cực đến lợi nhuận. Deutsche Bank lao đao với những quy định này vì không có ngân hàng bán lẻ lớn hay mảng quản lý tài sản doanh nghiệp mạnh để bù đắp.

Tai họa gần nhất giáng xuống Deutsche Bank là hồi tháng 8 Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu ngân hàng này phải nộp khoản phạt lên tới 14 tỷ USD nhằm dàn xếp các cuộc điều tra về tội bán chứng khoán được bảo đảm bằng các khoản thế chấp xấu cách đây một thập niên. Ngoài ra, “người khổng lồ” Đức còn phải đối mặt với đơn kiện liên quan đến việc thao túng tỷ giá và giao dịch kim loại quý. Trong bối cảnh như vậy, để bảo đảm đủ vốn hoạt động, Deutsche Bank rất cần nguồn tài chính trợ giúp từ bên ngoài. Tuy nhiên, hôm 28-9, Chính phủ Đức đã bác thông tin chuẩn bị kế hoạch giải cứu Deutsche Bank nếu ngân hàng đầu tư lớn nhất nước này không thể tự huy động vốn để dàn xếp các vụ kiện tụng ở Mỹ.

Để đối phó với khó khăn, ngân hàng được thành lập từ năm 1870 này đã công bố các kế hoạch cắt giảm ít nhất 35.000 việc làm vào năm 2020, xóa sổ một số doanh nghiệp con và ngưng trả cổ tức. Thông qua các biện pháp tổng thể này, Deutsche Bank hy vọng sẽ có thể tiết kiệm được khoảng 3,8 tỷ euro, trong đó khoản tiết kiệm từ tái cấu trúc và cắt giảm lao động sẽ là 3-3,5 tỷ euro. Ngày 28-9, ngân hàng này đã bán Công ty Bảo hiểm Abbey Life ở Anh với giá 1,2 tỷ USD, nhằm giúp củng cố tình hình tài chính. Trong thời gian tới, Deutsche Bank sẽ tích cực đàm phán để giảm số tiền mà họ phải trả cho Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng dù mức phạt có giảm một nửa, thì ngân hàng của nước Đức vẫn phải huy động thêm tiền mới đủ chi trả.

Hồi đầu năm nay, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã lên tiếng cảnh báo Deutsche Bank là nguồn rủi ro lớn nhất trong hệ thống tài chính toàn cầu. Ngân hàng này hiện có hơn 100.000 nhân viên và khoảng 46.000 trong số đó làm việc ở Đức với tài sản hiện đang được định giá ở mức 1,8 nghìn tỷ euro (khoảng 2 nghìn tỷ USD), tương đương hơn một nửa quy mô của nền kinh tế Đức. Vì thế, không phải vô cớ khi nhiều chuyên gia phân tích kinh tế đã gọi Deutsche Bank là “một quả bom nổ chậm”. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng nếu ngân hàng này sụp đổ, cuộc khủng hoảng tài chính tương tự năm 2008 sẽ tái diễn. Do vậy, bất kỳ một tín hiệu tiêu cực nào xuất phát từ ngân hàng hàng đầu của nền kinh tế lớn nhất và hùng mạnh nhất Châu Âu cũng sẽ khiến cho thị trường toàn cầu chao đảo.

Quỳnh Dương