Nga được gì sau 1 năm tham chiến ở Syria?

Hồ sơ - Ngày đăng : 23:12, 01/10/2016

(HNMO) – Chiến dịch không kích của Nga ở Syria đáp lại lời đề nghị của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã bước sang năm thứ hai. 365 ngày chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) của quân đội Nga không những làm thay đổi cục diện chiến trường, củng cố vị thế của ông Bashar al-Assad, mà còn mang về cho Moscow những lợi ích vô cùng quan trọng.


Vào thời điểm Nga mở màn chiến dịch không kích Syria (30/9/2015), chính quyền của ông Assad đang đứng bên bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên tình thế nay đã đảo ngược. Mặc dù vẫn còn bấp bênh, nhưng chính phủ Syria hiện đang trên đà tấn công, với tham vọng chiếm lại toàn bộ thành phố chiến lược Aleppo.

Trước đó, nhiều chuyên gia phương Tây nhận định rằng chiến dịch của Moscow tất sẽ thất bại, Nga sẽ nhanh chóng “sa lầy” tại Syria vì nhiều yếu tố. Song, trái với những dự đoán đó, cho đến thời điểm hiện tại, các nhà phân tích đã phải công nhận rằng Nga đã một phần đạt được những mục đích của mình ở Syria.

Roger McDermott, chuyên gia nghiên cứu Á-Âu thuộc chương trình Jamestown Foundation, đánh giá: “Những nhà quan sát phương Tây nói chung đều bị ấn tượng bởi chiến dịch quân sự của Nga ở Syria, thực tế đã đập tan những hoài nghi của họ và cho thấy khả năng của quân đội Nga trong việc lập kế hoạch, triển khai và duy trì những hoạt động phức tạp, cũng như giải quyết khâu hậu cần bao gồm việc viện trợ cho lực lượng chiến đấu trong điều kiện địa lý xa xôi như vậy”.

Nhưng chính xác thì những mục tiêu của Nga khi can thiệp quân sự ở Syria là gì?

Trước tiên phải nói rằng, Nga và Syria vốn đã duy trì mối quan hệ chiến lược kể từ thời Xô Viết. Moscow lâu nay vẫn duy trì một căn cứ hải quân nhỏ trên bờ biển Syria và có quan hệ chặt chẽ với quân đội Syria (Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Damacus).

Syria từ lâu đã trở thành điểm chiến lược giúp Nga duy trì ảnh hưởng ở Trung Đông. Một khi vị thế của chính quyền Damacus suy yếu, Nga sẽ mất đi tiếng nói tại khu vực. Nỗi lo này buộc Tổng thống Putin phải hành động. Và trên thực tế, sự quyết đoán của “người đàn ông quyền lực nhất thế giới” đã mang lại cho Nga những lợi ích quan trọng.

Nga và Syria từ lâu đã duy trì mối quan hệ chiến lược và đặc biệt khăng khít về mặt quân sự.


Thành công quân sự

Chiến dịch không kích của Nga đã phá hủy hàng ngàn đối tượng và các cứ điểm của các tổ chức khủng bố, tiêu diệt các tàu chở dầu lậu và kho dầu của những kẻ khủng bố, loại bỏ chiến binh, hỗ trợ quân đội Syria từ trên không, cung cấp viện trợ nhân đạo cho các thành phố bị bao vây và các hoạt động nhân đạo khác.

Máy bay Nga đã đem lại cho người dân niềm hy vọng về cuộc sống an toàn. Chỉ riêng ở tỉnh Latakia, trong vòng vài tháng, nhờ hoạt động không quân Nga, đã giải phóng hàng chục làng mạc và hàng ngàn người Syria đã trở về nhà. Hàng trăm vị trí chiến lược trở lại dưới sự kiểm soát của quân đội Syria. Người dân không còn bị đe dọa bởi súng cối của các chiến binh, vì chúng đã bị đẩy lùi ra khỏi Latakia, và đó chỉ là sau khi không quân Nga hoạt động vài tháng.

Có thể nói rằng tiềm lực của máy bay Nga và việc không quân Nga sử dụng các máy bay hiện đại nhất đã cho phép thay đổi triệt để cán cân lực lượng trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.

Cơ hội thử nghiệm trên chiến trường

Chiến dịch Syria cũng đưa đến một cơ hội vô giá để các tướng lĩnh quân đội Nga huấn luyện và thử sức lực lượng của họ trong điều kiện chiến trường thực tế, cũng là dịp để Nga thử nghiệm những công nghệ quân sự mới nhất của mình.

“Đây thực sự là cơ hội để quân đội nước này diễn tập những hệ thống mới hay hiện đại, thử nghiệm khả năng triển khai chiến tranh lấy mạng làm trung tâm, và minh chứng cho sự thành công của hiện đại hóa quân đội”, chuyên gia McDermott đánh giá.

Quân đội Nga đã triển khai nhiều hệ thống vũ khí tân tiến tại Syria.


Các chuyên gia, nhà bình luận quân sự ước tính rằng, mỗi ngày Nga phải tiêu tốn khoảng 2,5 triệu USD đến 4 triệu USD nên chi phí hoạt động trong một năm ở Syria tối đa khoảng 1,46 tỷ USD. Một số chuyên gia phân tích rằng, con số 1,46 tỉ USD có thể lớn nhưng trong chiến dịch này Nga thu được không ít. Họ chỉ ra rằng, chi phí Bộ Quốc phòng Nga đổ vào các hoạt động quân sự ở Syria gần như bằng chi phí dành riêng cho huấn luyện quân sự thông thường, thử nghiệm vũ khí, bảo dưỡng, bảo quản các trang thiết bị... Như vậy, quân đội Nga tham gia chiến dịch này ngoài việc gần như không mất tiền, còn đào tạo và tăng kinh nghiệm chiến đấu thực tiễn, đặc biệt “phô trương” các loại vũ khí của họ và theo thống kê từ khi tham gia chiến dịch này các hợp đồng vũ khí của Nga tăng lên đáng kể.

Tăng cường vị thế ngoại giao

Thành công về mặt ngoại giao là một “phần thưởng” quan trọng mà Nga đạt được sau một năm can thiệp quân sự ở Syria. Vai trò quân sự chủ động của Moscow trên chiến trường đã định hình lại quan hệ của quốc gia này Israel, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên thực tế, Israel và Nga đã phát triển quan hệ song phương lên một mức độ “hiểu biết lẫn nhau” mới. Đơn cử như hoạt động không kích của Israel chống lại nhóm phiến quân Hezbollah đã không gặp phải bất cứ cản trở nào từ phía Nga – hiện đang kiểm soát những không phận quan trọng trên vùng trời Syria.

Quan hệ giữa Moscow và Tehran cũng đã được thúc đẩy đáng kể. Thậm chí cả sự thù hằn giữa Moscow và Ankara cũng đã giảm đi nhiều, khi cả hai đều nhận ra họ cần phải hài hòa những lợi ích của mình, ít nhất ở một mức độ nào đó.

Nhìn một cách tổng thể, ngoài thiệt hại về người không thể bù đắp được, chiến dịch quân sự ở Syria đã mang lại cho Nga nhiều lợi thế mới, hướng phát triển mới, góp phần giúp Nga thoát khỏi cuộc khủng hoảng vì cấm vận, chứng minh sức mạnh quân sự, và tăng cường vị thế ngoại giao, cải thiện quan hệ với nhiều đối tác. Câu hỏi đặt ra là liệu những ưu thế này có thể kéo dài đến khi nào? Nói cách khác, đâu là thời điểm thích hợp để Nga rút lui với lợi ích tối đa từ cuộc chiến?

Bảo San