Đấu thầu dịch vụ công ích: Doanh nghiệp sẽ cạnh tranh công bằng

Kinh tế - Ngày đăng : 07:14, 01/10/2016

(HNM) - 42 gói thầu cung cấp các dịch vụ vận tải, duy tu vườn hoa, cây xanh, duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị... đã được UBND TP Hà Nội thực hiện tính đến cuối năm 2015. Tuy nhiên, không ít bất cập đã nảy sinh trong quá trình cung cấp các dịch vụ công ích (DVCI) nói trên, đặc biệt là ngân sách thành phố phải chi.


Đấu thầu dịch vụ công ích sẽ góp phần tiết giảm chi phí ngân sách, nâng cao chất lượng các công trình, cảnh quan công cộng. Ảnh: Bá hoạt



Nhiều bất cập trong đặt hàng

Việc cung ứng các dịch vụ đô thị như: Duy tu thảm cỏ, vườn hoa cây xanh, xử lý nước thải sinh hoạt... đóng vai trò quan trọng nhằm giữ gìn văn minh, sạch đẹp của Thủ đô. Thế nhưng, việc cân nhắc các khoản chi cũng cần kỹ lưỡng, bởi chi phí này được trích từ nguồn vốn ngân sách thành phố, từ việc đóng thuế của người dân. Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, diễn ra ngày 26-9 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đã trực tiếp họp với các sở, ngành và 24 doanh nghiệp (DN) thực hiện duy trì cây xanh. Qua 6 lần họp rà soát, chỉ tính riêng số tiền duy tu, duy trì cây xanh, trồng vườn hoa, thảm cỏ, Hà Nội đã tiết giảm chi phí từ 886 tỷ đồng xuống còn 178 tỷ đồng/năm.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tính đến năm 2015, TP Hà Nội đã triển khai 42 gói thầu DVCI tại các lĩnh vực: Vận tải hành khách công cộng; duy tu, duy trì vườn hoa, thảm cỏ, công viên, cây xanh, hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống thoát nước đô thị, duy trì vệ sinh môi trường và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Hà Nội cũng đã áp dụng hình thức đấu thầu đối với lĩnh vực DVCI từ khi Luật Đấu thầu năm 2003 có hiệu lực, cũng như thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất và cung ứng DVCI trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016, UBND thành phố đã chỉ đạo tạm dừng toàn bộ việc áp dụng hình thức đấu thầu các gói thầu DVCI để rà soát lại quy trình, định mức, đơn giá của từng lĩnh vực. Trong thời gian rà soát, vẫn tiếp tục cơ chế đặt hàng DN thực hiện các DVCI. Mặc dù trên thực tế, các DVCI thực hiện theo cơ chế giao kế hoạch, đặt hàng khá tốn kém và bộc lộ nhiều bất cập.

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Đức Hoạt, phương thức giao kế hoạch và đặt hàng hiện không còn phù hợp, do chưa bảo đảm tính cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đồng thời chưa tạo ra động lực để các DN tham gia tăng cường nhân lực, công nghệ nhằm tiết giảm chi phí cho các DVCI. Trong khi đó, quy định phải đấu thầu dịch vụ này lại giúp nâng cao tính cạnh tranh, giúp giảm chi phí và nâng cao chất lượng.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Đức Hoạt:
Nghị định số 130/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã ban hành cụ thể danh mục sản phẩm, DVCI nào bắt buộc phải áp dụng hình thức đấu thầu. Tuy nhiên, vẫn chưa có hướng dẫn, quy định chung về xác định điều kiện năng lực tài chính, trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất, trình độ quản lý và tay nghề của người lao động theo từng lĩnh vực DVCI đô thị. Đặc biệt, các quy trình kỹ thuật làm cơ sở xác định định mức, đơn giá hiện đã cũ, chưa cập nhật theo công nghệ, thiết bị mới mà phần lớn là thủ công. Trong khi đó, TP Hà Nội lại có chủ trương tăng cường cơ giới hóa trong các lĩnh vực cung cấp DVCI để nâng cao chất lượng, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.

Cắt giảm chi phí bằng nguồn lực xã hội hóa

Tại Công văn số 5505/UBND-KT do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản vừa ký ban hành, đối với DVCI vệ sinh môi trường, sẽ thực hiện đấu thầu trong quý IV-2016 và những năm tiếp theo. UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương tổng hợp gửi Sở Tài chính ngay sau khi UBND thành phố ban hành quyết định phân cấp quản lý nhà nước tại một số lĩnh vực hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Là chuyên gia từng nhiều năm công tác tại Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội, TS Nguyễn Minh Phong phân tích, chủ trương đấu thầu DVCI của UBND TP Hà Nội là đúng đắn. Bởi trên thực tế, các DN đang cung cấp dịch vụ này với giá quá đắt. Nguyên nhân có thể là do họ làm thủ công, chưa ứng dụng máy móc công nghệ nhằm tiết giảm chi phí và nâng cao năng suất. Thêm vào đó, do được đặt hàng theo phương thức giao kế hoạch và chỉ giao trong một nhóm nhỏ DN nên chưa có cạnh tranh để giảm chi phí.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội cũng cho rằng, việc đấu thầu cung cấp các DVCI sẽ giúp mọi DN đều có cơ hội được tham gia. Điều này đáng quý với cộng đồng DN, đặc biệt là những DN nhỏ và vừa, bởi họ sẽ có cơ hội được chính quyền ghi nhận năng lực chuyên môn. Việc chia nhỏ gói thầu, tạo thuận lợi cho các DN nhỏ và vừa của Hà Nội tham gia đấu thầu các dự án sẽ mang lại lợi ích kép: DN được tham gia cung ứng dịch vụ có thêm nguồn thu để đóng góp vào ngân sách, người dân hài lòng vì dịch vụ tốt, tiết kiệm, còn UBND thành phố sẽ nhận được "món quà" đáng trân trọng hơn cả là sự hài lòng của người dân, DN.

Tán thành quan điểm này, TS Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, việc chia nhỏ gói thầu sẽ khiến các cơ quan quản lý nhà nước vất vả hơn do phải thực hiện 2 tuyến thầu: Các DN lớn, cung cấp dịch vụ công nghệ cao và các DN nhỏ cung cấp những phần việc đơn giản hơn. Tuy nhiên, phương án này chắc chắn sẽ tiết kiệm so với thuê tổng thầu. "Nên xã hội hóa quyền khai thác các tuyến phố được cung ứng DVCI. Đơn cử, nếu anh duy trì cắt cỏ, tỉa cây, trồng hoa thì anh được quyền khai thác quảng cáo trên những tuyến đường đó. Phương án này sẽ giúp thành phố không phải chi tiêu quá nhiều và DN cũng được hưởng lợi" - TS Nguyễn Minh Phong nói.

Hương Ly