Đề xuất xóa tiền nợ thuế: Làm sao cho công bằng?
Tài chính - Ngày đăng : 08:52, 01/10/2016
Giảm gánh nặng
Tháng 5-2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, trong đó có giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính: “Xây dựng báo cáo trình Chính phủ để trình Quốc hội nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho DN ngay trong năm 2016; xử lý nợ chậm nộp cho DN gặp khó khăn khách quan... nhưng vẫn bảo đảm tính nhất quán của chính sách và phù hợp với thông lệ quốc tế đã cam kết". Bộ Tài chính đã đề xuất xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh trước ngày 1-1-2014 là 7.963,811 tỷ đồng, khoanh nợ 6.731 tỷ đồng.
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phép xóa số nợ trên cho các DN gặp khó khăn khách quan. Tuy nhiên, để được xóa nợ, DN phải đáp ứng một trong các tiêu chí: Là DN cung ứng hàng hóa dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn từ ngân sách, song do chưa được Nhà nước thanh toán nên DN không có nguồn để nộp thuế. DN có đối tác bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng dẫn đến không có nguồn để trả nợ thuế và tiền phạt chậm nộp cũng thuộc diện được xóa nợ. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất xóa nợ, tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của khoản thuế mà người nộp thuế đã bỏ kinh doanh, giải thể, phá sản. Thực tế số tiền nợ thuế của DN bỏ kinh doanh, đã phá sản hiện lên tới 9.000 tỷ đồng. Đây là khoản nợ mà thời gian qua, cơ quan thuế đã áp dụng mọi biện pháp, nhưng không thể thu hồi.
Ngoài những đề xuất trên, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ cho sửa đổi, bổ sung Điều 65 Luật Quản lý thuế theo hướng bổ sung việc xóa nợ cho các trường hợp đặc thù. Đó là nợ thuế của các DN nhà nước (DNNN). Đây là những DN đã có quyết định giải thể, thực hiện cổ phần hóa chưa xử lý được nợ thuế.
Theo Bộ Tài chính, đối tượng được xóa nợ thuế gồm: Cá nhân đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, không có tài sản để nộp thuế, tiền phạt. Thứ hai là DN tuyên bố phá sản, không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt. Thứ ba là các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế mà cơ quan thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế đã quá 10 năm, nhưng không có khả năng thu. |
Phải rõ tiêu chí
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các DN nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, phương án khoanh nợ thuế, giãn nộp thuế, phí, phạt là đúng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay, song việc thực thi chính sách này bảo đảm được sự công bằng giữa các DN là điều không đơn giản. Bởi thực tế cho thấy, Ngành Thuế bất lực với DN chây ỳ. Điều này dẫn đến sự thiếu công bằng với những DN làm ăn chân chính.
Với đề xuất xóa nợ cho các DNNN cũng còn nhiều điểm cần xem xét kỹ. Vì khối DN này mặc dù đang nắm tới 80% vốn của thị trường, nhưng hoạt động không hiệu quả như các DN nhỏ và vừa. “Nên công bằng với DN cần hỗ trợ, khoanh vùng những khoản nợ thuế của những đơn vị khó khăn trong vài năm, nếu DN phục hồi sẽ thu hồi tiền thuế vào ngân sách. Bởi tiền thuế được hình thành qua sự đóng góp của người dân và cộng đồng DN. Nếu xóa nợ thuế mà không cân nhắc kỹ thì những DN làm ăn chân chính sẽ vô tình phải nộp nhiều thuế hơn những đơn vị chỉ chờ đợi hỗ trợ của Nhà nước” - ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, các tiêu chí xóa, khoanh nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải rõ ràng, chặt chẽ để tránh việc cán bộ thuế lợi dụng xóa nợ, khoanh nợ thuế cho DN này mà không xóa nợ cho DN kia, gây mất công bằng trong thực thi chính sách. Ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, có những khoản nợ thuế mà DN đã ngưng hoạt động 10-15 năm, số nợ thuế treo đó và tiền phạt chậm nộp cứ tăng dần lên trên hệ thống sổ sách của Ngành Thuế, nhưng có muốn thu cũng không làm được. Việc xóa tiền phạt chậm nộp cho DN khó khăn do Nhà nước nợ tiền xây dựng cơ bản là cần thiết. Nếu nợ thuế nhà nước, DN bị phạt chậm nộp, bị cưỡng chế, còn Nhà nước nợ DN lại không chịu trách nhiệm gì là chưa công bằng...