Tấm gương sáng ngời cho thế hệ hôm nay và mai sau
Chính trị - Ngày đăng : 08:14, 01/10/2016
Cuộc đời và sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng từ chủ nghĩa dân tộc cải lương đến chủ nghĩa dân tộc cách mạng cho thấy mối quan hệ biện chứng có tính chất kế thừa giữa các phong trào và khuynh hướng yêu nước ở đầu thế kỷ XX với phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là nhân vật tiêu biểu nhất tạo được cái “gạch nối” lịch sử gắn kết phong trào yêu nước của thế hệ các chiến sĩ Duy Tân với phong trào cách mạng, đặc biệt là với cương lĩnh chính trị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng (áo dài đứng bên trái Bác Hồ) trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu |
Sự nghiệp cứu nước của cụ Huỳnh cho thấy từ sự vận động nội tại của chủ nghĩa yêu nước được hình thành trong quá trình tiệm tiến, đến khi được nhân tố khách quan tác động đã gây nên đột biến từ cải lương chuyển sang cách mạng. Khi tiếp xúc với những người cộng sản và hiểu bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa cộng sản, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã thừa nhận con đường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc là đúng đắn, đi đến cộng tác và cống hiến hết mình cho Nhà nước cách mạng, tình nguyện sẽ làm việc suốt đời trong Chính phủ Hồ Chí Minh. Điều đó hoàn toàn phù hợp với logic biện chứng và quy luật vận động của tư tưởng trong con người cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Đó là tấm gương về một nhân cách cao đẹp hội tụ đủ tài năng, đức độ, bản lĩnh. Cụ Huỳnh Thúc Kháng sớm nhận ra bản chất hủ bại của chính quyền thực dân - phong kiến và sức mạnh lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân. Cụ thuộc số ít trong các chí sĩ yêu nước sau khi đậu Tiến sĩ không ra làm quan. Trên cương vị Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, khi nhân cách bị xúc phạm, cụ đã đưa đơn từ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gai. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.
Cụ Huỳnh đau cái đau của dân khi nước đã mất, cùng suy nghĩ với dân về trách nhiệm cứu nước. Sớm phát hiện ra không khí sục sôi của các tầng lớp nhân dân đứng lên chống triều đình phong kiến hủ bại, cụ Huỳnh nhanh chóng hòa vào cái không khí ấy một cách hết sức tự nhiên, thoải mái. Cụ kết bạn với những người cùng chí hướng để tìm đường cứu nước, cứu dân, nhanh chóng tiếp cận và chấp nhận cái mới, hòa vào không khí Duy Tân và trở thành lãnh tụ của phong trào này.
Bản chất con người cụ Huỳnh là yêu nước, thương dân. Chỗ đứng và chỗ dựa của cụ là lòng dân. Tuy phải nếm trải những bước thử thách gian khổ, nhưng cụ Huỳnh vẫn không ngã lòng, giữ đốm lửa nhiệt tình ái quốc, mong kéo dài ra, có ngày thổi cháy lại. Phải thật sự là con người đau đáu khát vọng độc lập, tự do thì khi nước nhà giành được độc lập, cụ Huỳnh mới nói lên được những lời tự đáy lòng: “Sướng ơi là sướng! Thoát thân nô lệ mà làm chủ nhân ông. Vui thật là vui! Đổi quyền vua mà làm dân quốc mới”.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng còn là tấm gương và có đóng góp không nhỏ xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cụ đã sớm cảnh báo sự mất đoàn kết, bất hòa, xâu xé nhau là họa lớn cho dân tộc. Cụ rất đau lòng nghe những lời phe này đả kích phe kia. Kiên quyết không để phai nhạt uy tín đạo đức của mình, cụ Huỳnh Thúc Kháng nói rõ quan điểm của mình “không ở về phái nào, chỉ muốn thấy anh em ngồi chung lại với nhau, hai bên cùng châm chước, sửa đổi đường lối của nhau cho thích hợp”.
Nhờ nhân cách văn hóa, trí tuệ, đạo đức và lòng yêu nước, cụ Huỳnh hiểu được người khác, hiểu được tấm lòng “chí công vô tư” của người tri kỷ là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Cụ tỏ ý cảm phục tấm lòng thành của Cụ Hồ, thấy công việc quá nhiều và thương Cụ Hồ quá vất vả. Cụ hiểu rằng trong tình thế khó khăn của đất nước, mọi người công dân đều phải chia vai gánh một phần trách nhiệm. Đứng trước sự tồn vong của Tổ quốc và dân tộc, toàn bộ chất người Huỳnh Thúc Kháng bộc lộ một cách rõ nét. Cụ nhận rõ bổn phận của một công dân được sống trong độc lập. Cụ lấy lòng thành để nói lên tất cả những suy nghĩ, trăn trở của mình về việc nước. Và cụ đã làm cho người tri kỷ hiểu mình bằng việc “hiến ba chữ Huỳnh Thúc Kháng cho Tổ quốc, cho quốc dân đồng bào”.
Bài học đoàn kết của cụ Huỳnh cho thấy một tầm nhìn xa, trông rộng, giải quyết mối quan hệ “bên ngoài” và “bên trong”. Cụ cho rằng “ngoài ngõ, trộm cướp đang rình rập, nếu trong nhà anh em bất hòa, xâu xé nhau, thì thật là họa lớn cho dân tộc. Bên trong, chúng ta phải đoàn kết để đề phòng”; rằng “nước nhà độc lập mà trong nước phái nọ đả kích phái kia thật là một điều bất hạnh”. Với những đóng góp to lớn trong thời gian Bác Hồ đi vắng, quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đã để lại cho chúng ta một tấm gương thành công trong sự lãnh đạo của Đảng đối với mặt trận.
Nói đến cụ Huỳnh là phải nói đến “Tiếng dân”. Bài học về “Tiếng dân” và không dính líu gì với vòng danh lợi từ cụ Huỳnh đến Hồ Chí Minh và hiện nay được khẳng định trong các văn kiện và phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cần phải được mỗi cán bộ, đảng viên thấu triệt, nuôi dưỡng, đắp bồi và thực hành hằng ngày, thường xuyên, suốt đời. Cách mạng là vì dân và do dân. Có được lòng dân là có tất cả. Mất lòng dân là mất hết. Đó là bài học lớn nhất, giá trị nhất, sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp cách mạng nước ta trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới.