Nuôi dưỡng bầu sinh quyển sáng tạo
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:52, 02/10/2016
Tất nhiên, diện mạo văn trẻ, cũng là một phần diện mạo văn chương đương đại Việt Nam không chỉ thể hiện trong khuôn khổ hội nghị kể trên. Trang viết “đỉnh cao” có thể ở ngoài kia đâu đó, trong tay người không dự hội nghị. Và cũng không hẳn tất cả những gương mặt sáng giá hôm nay đã đủ bền bỉ đi tiếp chặng đường dài của văn chương…
Sự kiện này được xem như dịp cùng nhau nhìn lại việc chăm sóc, nuôi dưỡng bầu sinh quyển của văn học trẻ, không chỉ là của hội nghề nghiệp với hội viên, của các nhà văn với nhau, của xã hội đối với lực lượng người viết, mà còn là của bản thân mỗi nhà văn với tiếng gọi sáng tạo bản thể của chính mình…
Thực tế, chưa khi nào văn trẻ phong phú, đa chiều đa sắc như hiện nay. Nhưng cũng chưa khi nào thách thức của việc sáng tạo lại lớn như hiện nay.
Trong chiến tranh, nhà văn và cây bút rạo rực khí thế trên con đường rõ rệt là đồng hành cùng đất nước vì mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất non sông. Nay, trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, hiện thực đất nước vừa trải rộng vừa lắng sâu ở những tầng bậc vừa đa dạng, mới mẻ vừa biến động phức tạp hơn. Điều đó đòi hỏi nhà văn không chỉ dấn thân, nhập cuộc mà còn phải có tài năng để có ngòi bút bản lĩnh phản ánh chân thực, sinh động những ngóc ngách của đời sống, giải mã những vấn đề của xã hội, xây dựng con người mới để đắp nền bền vững cho phát triển của đất nước.
Thách thức rõ rệt nhất của văn học trẻ hiện nay là chất lượng chưa tương xứng với số lượng, là thiếu cái độc đáo, đặc sắc trong "rừng" đa dạng.
Tất nhiên phát triển văn học, trong đó có lực lượng viết trẻ hôm nay không ai làm thay được nhà văn, điểm mấu chốt để khơi thông mạch nguồn sáng tạo này nằm ở việc nuôi dưỡng bầu sinh quyển cho sáng tác.
Nghị quyết Hội nghị lần 9 BCH TƯ Đảng khóa XI ngày 9-6-2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” nêu rõ: “Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ…”. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị ngày 16-6-2008 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới” cũng đã chỉ ra phải “Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác…”.
Trên hết, mỗi nhà văn, nhất là người viết trẻ tự mình phải có ý thức nuôi dưỡng nguồn sáng tạo của mình. Bắt đầu từ việc không ngừng bồi đắp các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, chắt lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Một cách hình ảnh như nhà thơ Chế Lan Viên từng nói “Nhà văn lùi lại một bước phải là nhà văn hóa”.
Hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp cũng có vai trò to lớn trong việc xây dựng một môi trường sáng tạo tích cực qua hệ thống giải thưởng uy tín, qua việc kết nối, quảng bá sáng tác của nhà văn. Nên xem cổ vũ sáng tác trẻ không chỉ nhắm đến độ tuổi mà còn ở việc trân trọng, khuyến khích những tìm tòi, thể nghiệm mới…
Nuôi dưỡng bầu sinh quyển sáng tạo ấy còn cần một môi trường xuất bản lành mạnh, không có cảnh ăn cắp bản quyền, in lậu tràn lan, ngang nhiên như đã thấy.
Một bầu sinh dưỡng lành mạnh từ sáng tác, xuất bản, in ấn, phát hành có được, tất mầm sáng tạo trẻ của văn học sẽ vươn mình lớn lên không đợi tuổi, để cống hiến cho dân tộc, cho nhân loại những trang viết thực sự nâng đỡ con người.