Kể chuyện Hà Nội bằng hình ảnh

Văn hóa - Ngày đăng : 07:22, 02/10/2016

(HNM) - Nhà sử học Dương Trung Quốc đã giới thiệu như thế về cuốn sách ảnh “Hà Nội dấu yêu” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo vừa được Nhà Xuất bản (NXB) Thế giới và Phương Nam Book cho ra mắt. Từng truyện ngắn là từng nỗi lòng, trăn trở và thể hiện thẩm mỹ của một người sống ngay trong lòng phố cổ, yêu thương cháy bỏng mảnh đất này.

Một số hình ảnh trong cuốn “Hà Nội dấu yêu” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo.


Hà Nội là đề tài muôn thuở và cảm hứng sáng tác cả đời của không ít nghệ sĩ, trong đó có các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Nguyễn Hữu Bảo cũng vậy, từ khi ông cầm máy, khoảng bốn chục năm nay, Hà Nội với những góc, những phố, những con người là nhân vật thường trực của ông. Trong nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm, những bức ảnh Hà Nội của Nguyễn Hữu Bảo đều có góc nhìn riêng. Lần này, bằng sách, Nguyễn Hữu Bảo đưa đến công chúng hình ảnh Hà Nội giản dị trong 2 màu trắng đen. Cả cuốn sách hơn 200 bức ảnh chỉ duy nhất bìa 1 là ông sử dụng ảnh màu nhưng cũng mang sắc nâu mono thâm trầm.

Nguyễn Hữu Bảo sinh ra và lớn lên ở trong lòng phố cổ Hà Nội (Hàng Đào, năm 1952). Những bức ảnh của ông luôn chứa đựng chất của người Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp coi cuốn sách này là tập ký sự về đời sống con người và phong cảnh Thủ đô trong thời hiện tại (hơn 30 năm gần đây) bởi tác giả chỉ chụp Hà Nội với những gì có thật, không dàn dựng, sắp đặt. Trong cuốn sách, ông đưa người xem qua 10 câu chuyện: “Câu chuyện Hồ Gươm”, “Hà Nội có cầu Long Biên”, “Ai lên xứ hoa đào… Nhật Tân”, “Hà… Lội”, “Ma nơ canh”, “Giá trị tinh thần”, “Nhà cổ - Bỏ thì thương vương thì tội”, “Người thành phố”, “Giấc mơ trưa”, “Muôn màu cuộc sống”.

Có thể thấy rõ đó là những chủ đề rất thời sự, đặc trưng của Hà Nội những năm gần đây. Thế nhưng, những bức ảnh hiện ra lần lượt trong mắt người xem lại đẹp đẽ và ngập đầy xúc cảm, kể cả khi ông nói về bất cập của Thủ đô, như lụt lội, chật chội… PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, bởi Nguyễn Hữu Bảo coi Hà Nội là người yêu, nên ông chọn cách vĩnh cửu hóa những khoảnh khắc dấu yêu đến vậy.

Một bộ ảnh được thực hiện trải dài trong nhiều năm, ghi lại những khoảnh khắc mà hiếm người chứng kiến đầy đủ. Như ảnh về những toa xe điện đậu bên bờ Hồ Gươm, cây hoa gạo cổ thụ trước cổng đền Ngọc Sơn, những căn nhà cổ… nay không còn nữa. Khi xem, người lớn tuổi thì hoài niệm còn người trẻ lại thấy lạ lẫm và thú vị.

Có đến 99% ảnh của Nguyễn Hữu Bảo là có người và bộ ảnh thú vị nhất với người viết trong cuốn sách này là “Người thành phố”. Tác giả chia sẻ: “Tính cách và văn hóa vùng miền là hành lý mà người ta mang theo đến đất lành để tìm bến đậu và đương nhiên người Hà Nội hôm nay là đa tính cách, trong đó tính năng động đã thay thế tính thanh lịch làm chủ đạo. Vẽ người Hà Nội hôm nay đã khó, chụp ảnh còn khó hơn”. Người Hà Nội trong Nguyễn Hữu Bảo là ai? Đó đa phần là những người nổi tiếng, cũng sống bên cạnh tác giả, bầu bạn nhiều năm: NSND Như Quỳnh (vợ ông), ông Nguyễn Văn Lộc (Lộc Vàng), nhà sử học Dương Trung Quốc, thi sĩ dân gian Văn Thùy, GS Hoàng Đạo Kính, nghệ nhân truyền thần Bảo Nguyên, họa sĩ Lê Thiết Cương, MC Thúy Hằng, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp… Họ ở đây rất dung dị và đáng yêu.

Tác giả nói rằng đáng lẽ cuốn sách này là “đứa con đầu lòng” của ông, ra đời cách đây 6 năm đúng dịp Hà Nội nghìn năm tuổi. Nhưng nó lại ra sau tập “Ký ức làng”, song vẫn khiến ông mãn nguyện bởi như mong muốn về thiết kế và có 3 ngôn ngữ Việt - Anh - Pháp.

Yên Nga