Diện tích hồ tiêu tăng chóng mặt: Hệ lụy khôn lường
Kinh tế - Ngày đăng : 11:41, 02/10/2016
Vườn cây hồ tiêu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Trong vòng 6 năm qua, cây tiêu đã là cây trồng “nóng” về giá không chỉ ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mà nhiều tỉnh thành phía Nam. Nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu đã ồ ạt chuyển qua trồng hồ tiêu, khiến cho diện tích cây hồ tiêu vượt quy hoạch của tỉnh gần 3.000 ha.
Bắt đầu từ mức giá 100.000 đồng/kg vào năm 2010, lần lượt lên 190.000 đồng/kg vào các năm tiếp theo, rồi lên ở mức 230.000 đồng/kg vào năm 2015, cây tiêu đã được mệnh danh cây cứu cánh của nhiều nông dân.
Gia đình ông Trần A Thuận, ngụ thôn Tam Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức, cách đây 2 năm đã phá bỏ 3 ha vườn cao su 10 năm tuổi để chuyển qua trồng hồ tiêu xen chuối và bưởi. Theo ông Thuận, mặc dù cao su đang độ tuổi cho thu hoạch nhưng do giá mủ rớt xuống quá thấp chỉ khoảng 4.500 đồng/kg, nên gia đình ông quyết định chuyển hết diện tích vườn cao su sang trồng hồ tiêu – loại cây trồng đang có giá cao ngất ngưởng hiện nay.
Cũng theo tính toán của ông Thuận, với giá mủ cao su rớt xuống thấp, gia đình ông thu về chỉ khoảng 60 triệu đồng/3 ha/năm, sau khi trừ chi phí như công chăm sóc, phân bón, nhân công ông chỉ còn lời được 30 triệu đồng. Trong khi đó, mỗi 1 ha tiêu thu được 3-4 tấn, sau khi trừ chi phí, người trồng có lãi khoảng 500-600 triệu đồng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, ngụ xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc là một trong những chủ vườn điều có tiếng một thời về năng suất, chất lượng của huyện Xuyên Mộc, với diện tích 7 ha. Nhưng đến thời điểm này, ông Tuấn cũng chuyển dần diện tích hơn 2 ha điều sang trồng tiêu.
Theo ông Tuấn, với 2 ha tiêu, thu hoạch từ 6-8 tấn, sẽ cho thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm, trong khi đó cả 7 ha điều, mỗi năm ông cũng thu về khoảng hơn 200 triệu đồng. Chưa kể cây điều còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên năng suất và hiệu quả không cao.
Ngoài chặt bỏ các cây trồng một thời có giá trị kinh tế cao cho người nông dân như cao su, điều, cà phê, ca cao… nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh còn “liều” trồng cây hồ tiêu trên các vùng đất khô cằn, thiếu nước. Vùng đất trước đây chỉ có thể trồng các loại cây trồng chịu hạn cao như cây tràm.
Ông Nguyễn Minh Thành, tổ 1, ấp 3, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc đã trồng gần 1ha tiêu trên diện tích đất trước đây người dân xung quanh chỉ có thể trồng tràm do đất khô cằn, thiếu nước trầm trọng. Ông cho biết, sau khi phá tràm, gia đình ông đã trồng qua nhiều loại cây trồng khác nhau nhưng lợi ích kinh tế không cao, cũng như khó khăn về nước tưới.
Tuy nhiên, do thấy lợi nhuận khủng mà cây tiêu đem lại nên gia đình ông quyết định trồng. Đến nay, vườn tiêu của ông đã trồng được 3 năm, cho thu hoạch trung bình khoảng 5,5 tấn/1ha. Năm 2015, sau khi trừ chi phí ông còn thu về hơn 400 triệu đồng. Ông cho biết thêm, do trồng trên đất cát nên đất nhanh khô, mặc dù vào mùa mưa nhưng cứ 2 ngày ông phải tưới nước cho cây tiêu 1 lần. Còn vào mùa khô vườn tiêu của ông luôn bị vàng vọt do thiếu nước trầm trọng, chính vì vậy gia đình ông mất rất nhiều công sức, tiền của để chăm sóc, cứu vườn tiêu mỗi mùa khô hạn.
Theo khảo sát của chúng tôi, do lợi nhuận quá lớn từ cây tiêu nên người nông dân chấp nhận rủi ro, trồng tiêu trên tất cả các loại đất có thể trồng, kể cả vùng đất trũng, ẩm, thoát nước kém, kể cả tìm kiếm cả những giống tiêu không rõ nguồn gốc về trồng nhằm hạn chế bệnh chết nhanh, chết chậm.
Ông Nguyễn Bé, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức cho biết, cách đây 2 năm vườn tiêu gần 1 ha của ông mắc bệnh chết nhanh, chết chậm nên ông đã mua giống tiêu ghép về trồng (giống tiêu ngành chức năng chưa khảo nghiệm và công nhận về chất lượng). Ông Bé cho biết, ông chỉ mong giống tiêu này phát triển tốt, còn năng suất chỉ bằng 1 nửa giống tiêu bình thường là "sống" rồi, còn như giống tiêu đang trồng thì cứ trồng xuống là bị chết khiến người dân liên tục bị thất thu.
Theo một cán bộ nông nghiệp của huyện Châu Đức, lợi nhuận từ trồng tiêu quá rõ, do đó không thể nào định hướng cho nông dân dừng trồng. Bởi lẽ, kể cả rớt giá thì tiêu vẫn là cây trồng có lãi cao hơn so với cà phê, điều. Thậm chí, nhiều hộ trồng cao su tiêu điền, sau 6 năm vừa cho thu hoạch nhưng trước tình hình giá cao su giảm sâu như mấy năm gần đây họ vẫn chặt bỏ để chuyển sang trồng tiêu.
Với đà này, trong khi đất trồng cao su và cà phê và các loại cây trồng khác phù hợp với trồng hồ tiêu, thì nông dân sẽ còn tiếp tục phá rừng cao su, cà phê và các cây trồng khác để thay bằng cây tiêu.
Theo bà Trần Thị Hiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện tại diện tích trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đang tăng chóng mặt. Theo quy hoạch, đến năm 2020, diện tích trồng tiêu sẽ ở mức 8.300ha; trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc với khoảng 6.100 ha, còn lại là ở thành phố Bà Rịa, huyện Tân Thành và huyện Đất Đỏ.
Cũng theo quy hoạch, đến năm 2020, sản lượng tiêu của cả tỉnh khoảng 16.800 tấn, trong đó, sản lượng tiêu xuất khẩu 16.200 tấn, còn lại phục vụ nhu cầu tiêu dùng ở địa phương. Quy hoạch này được lập dựa trên nhu cầu thị trường, đặc biệt là về xuất khẩu; đồng thời căn cứ vào lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu... của từng địa phương cho phù hợp với loại cây trồng này. Tuy nhiên, đến thời điểm này diện tích tiêu của tỉnh đã là hơn 11.163 ha, vượt quy hoạch gần 3.000ha. Trong đó, nhiều xã không nằm trong quy hoạch cũng vẫn đang được nông dân mở rộng diện tích hồ tiêu.
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, hồ tiêu là loại cây kén chọn đất và khá nhạy cảm với thời tiết khí hậu, do đó nếu trồng không đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc không tốt thì cây rất dễ bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt. Trong khi người dân đua nhau trồng mới tiêu bằng mọi cách, mọi kiểu, trên mọi loại đất khi kinh nghiệm, kiến thức canh tác chưa đầy đủ sẽ tiềm ẩn lớn mối nguy hại. Bà Trần Thị Hiến cho biết thêm, ở những vùng không nằm trong quy hoạch, cây tiêu sẽ dễ bị dịch bệnh do không thích ứng được với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.
Cùng với đó, việc tăng diện tích đồng nghĩa với sản lượng tiêu cũng sẽ tăng theo và việc nguồn cung vượt cầu tất yếu giá cả sẽ sụt giảm - điều này ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của chính người nông dân. Đến thời điểm hiện nay, về các vùng nông thôn ở Bà Rịa-Vũng Tàu đâu đâu cũng thấy “nóng” về cây tiêu.
Cùng với đó là diện tích các cây trồng khác đang giảm đi và diện tích cây tiêu vẫn đang tăng lên ồ ạt. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, mối lo ngại mất cân bằng cung - cầu sẽ sớm xảy ra, dịch bệnh tràn lan khó kiểm soát được, khi đó người nông dân vẫn sẽ là người hứng chịu hậu quả.