Bài 1: “Vùng trũng” trong sản xuất
Kinh tế - Ngày đăng : 06:17, 03/10/2016
Bài 1: “Vùng trũng” trong sản xuất
Phát triển nông nghiệp đang bộc lộ nhiều điểm yếu: Liên kết “3 nhà”, “4 nhà” trong nông nghiệp đã được chỉ ra từ lâu nhưng thực hiện vẫn còn lỏng lẻo; nhiều địa phương đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, song việc tích tụ ruộng đất để có cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất tập trung còn rất ít. Ngay cả các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn được xây dựng trong thời gian qua vẫn đang gặp nhiều khó khăn từ sản xuất đến tiêu thụ.
Sau dồn điền đổi thửa, nông dân xã Kim Thư (huyện Thanh Oai) đã từng bước đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Bá Hoạt |
Sản xuất đa phần manh mún
Theo ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, để giải bài toán ruộng đất manh mún, TP Hà Nội đã làm cuộc “cách mạng” về đất đai bằng tổ chức dồn điền đổi thửa và đã hoàn thành dồn đổi xong 76.891ha ruộng đất. Hiện, bình quân mỗi nông hộ ở Hà Nội chỉ còn 1 đến 2 thửa (thay vì 5 đến 7 thửa trước đây). Tuy nhiên, với diện tích bình quân mỗi hộ chỉ từ 3 đến 5 sào Bắc Bộ (hơn 1.000m2) nên sản xuất nông nghiệp ở các địa phương vẫn chủ yếu ở phạm vi hộ gia đình, manh mún, nhỏ lẻ khiến giá trị canh tác trên một héc ta khá thấp.
Ông Vũ Minh Sơn, Chủ tịch UBND xã Tân Ước, huyện Thanh Oai cho biết: Xã có hơn 500ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là chuyên canh lúa. Vụ mùa 2016, sản lượng thấp do bị nhiễm bệnh bạc lá, 80% diện tích lúa năng suất đạt từ 1,2 đến 1,3 tạ/sào. Ngoài nguyên nhân rủi ro bởi dịch bệnh, theo ông Sơn, ở xã có làng nghề giò chả Ước Lễ và nhiều người chỉ chuyên chú với nghề truyền thống này. Sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp nhưng người dân cũng không “mặn mà” với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi do làm nghề cho thu nhập cao hơn.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của các địa phương còn thấp, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn yếu. Mặc dù TP Hà Nội đang hỗ trợ nông dân ở các huyện phát triển vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, trong đó có liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân nhưng mối liên kết này còn thiếu bền vững. Đã có thời điểm, sữa phải đổ đi do DN quay lưng với nông dân và tình trạng người chăn nuôi hám lợi, phá hợp đồng với DN để bán sữa ra ngoài...
Đây cũng là thực trạng chung của sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương trên cả nước. Tại diễn đàn phát triển doanh nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới diễn ra mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng: Tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đang chậm hơn so với hầu hết các nước cùng phát triển trong khu vực do lợi nhuận từ thâm canh đất thấp. Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động Ngành Nông nghiệp trung bình giai đoạn 2000-2013 của Việt Nam chỉ đạt 3,4%, chưa bằng một nửa so với Hàn Quốc giai đoạn 1980-1995 và một nửa của Trung Quốc trong cùng giai đoạn (tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc hiện là 7,5%). Nông nghiệp Việt Nam phát triển thiếu bền vững và phải đối mặt với những vấn đề như: Giá trị gia tăng thấp, an toàn thực phẩm không bảo đảm và khả năng sinh lời của sản xuất nông hộ quy mô nhỏ còn thấp.
Vùng sản xuất lớn cũng gặp khó
Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), VFA đã tổ chức nghiên cứu thực tế xây dựng cánh đồng mẫu lớn và các mô hình liên kết khác tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng. Khảo sát thực tế cho thấy, các địa phương vùng trọng điểm lúa Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều địa phương ở miền Bắc, miền Trung đang đẩy mạnh xây dựng cánh đồng mẫu lớn và các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long mô hình cánh đồng mẫu lớn được nhân rộng từ 150.000ha đến 200.000ha, chiếm 20% tổng diện tích quy hoạch sản xuất lúa hàng hóa xuất khẩu và khoảng 10% tổng diện tích sản xuất lúa toàn vùng.
Tuy nhiên, việc triển khai cánh đồng mẫu lớn ở các địa phương này còn bộc lộ nhiều hạn chế: Chính quyền một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến công tác chỉ đạo, tuyên truyền vận động nhân dân, chưa có kế hoạch cụ thể cho việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn sát với thực tiễn. Một số nơi, cán bộ chưa hiểu rõ mục đích, yêu cầu của việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp và chưa đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai hiệu quả vấn đề này, trong khi sự phối hợp giữa các ngành, các cấp và các địa phương không đồng bộ nên chưa tạo thuận lợi cho liên kết phát triển bền vững. Có nơi, mô hình cánh đồng mẫu lớn chưa thực sự gắn với tiêu thụ sản phẩm với sự có mặt của DN tham gia chuỗi sản phẩm để tạo đầu ra cho nông dân. Nhiều DN xuất khẩu gạo còn chưa tích cực thu mua thóc, gạo trực tiếp từ nông dân mà phần lớn dựa vào thương lái, kể cả trong liên kết cánh đồng mẫu lớn nên lợi nhuận của cả nông dân và DN đều thấp. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện liên kết, còn tình trạng DN và nông dân đều gặp khó khăn do nhiễu thông tin về giá vật tư đầu vào, giá mua thóc đầu ra khi tổ chức thu hoạch.
Thực tế cho thấy, khi thực hiện các mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn, trình độ tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật của nông dân còn nhiều hạn chế. Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) nhận định, nhận thức về sản xuất sản phẩm cây trồng, vật nuôi an toàn của nông dân ở vùng sản xuất tập trung còn yếu, nông dân chưa quan tâm tới việc ghi chép sổ sách nhật ký đồng ruộng nên khó kiểm soát chất lượng sản phẩm. Thậm chí, người dân sản xuất không có kế hoạch mà theo tập quán nên chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường khiến cung vượt cầu. Đặc biệt, các DN đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu lớn từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn (từ vài trăm đến vài nghìn héc ta) đều khó mở rộng diện tích do thiếu vốn, thiếu nhân lực, phương tiện, hệ thống thu mua...
(Còn nữa)