Nhu cầu nội tại - Nhu cầu cấp thiết

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:42, 04/10/2016

(HNM) - Tiết kiệm cho xã hội trên 7 tỷ đồng và hàng triệu giờ làm việc của cán bộ, nhân viên trong năm - Đây là kết quả của Hà Nội trong việc thực hiện Quyết định số 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trọng tâm năm 2015. Hai con số vừa nêu quả là ấn tượng, tuy nhiên phía sau kết quả này còn là những vấn đề mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng.


Trước hết, kết quả nêu trên của Hà Nội chỉ là một trong những khía cạnh khẳng định hiệu quả đạt được của công tác cải cách hành chính (CCHC) nói chung và đơn giản hóa TTHC nói riêng của các địa phương, bộ, ngành hiện nay. Cho dù đó là vấn đề thấy rõ, song công tác CCHC và đơn giản hóa TTHC còn gặp phải rất nhiều “điểm nghẽn” khiến cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức, người dân chưa hài lòng về thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức khi tới liên hệ, thực hiện giao dịch.

Tình trạng quy định TTHC tại văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, chưa tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế vẫn còn khá phổ biến. TTHC về cơ bản được giải quyết bằng phương thức truyền thống “thủ công - giấy tờ”, nặng về “tiền kiểm” gây tốn kém về thời gian, công sức và tiền bạc, tạo dư địa cho nhũng nhiễu, tiêu cực phát sinh, phát triển; kỷ luật - kỷ cương hành chính chưa nghiêm; thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các đơn vị liên quan để giải quyết TTHC; việc công bố các TTHC ở một số nơi còn chậm, chưa minh bạch...

Lý do căn bản của những “điểm nghẽn” nêu trên là vì thói quen cố hữu, đặc biệt là lợi ích mang lại từ cơ chế “xin - cho” dẫn đến một số nơi chưa thực sự muốn thực hiện quyết liệt công tác CCHC và đơn giản hóa TTHC. Điều đó dẫn đến năng lực cạnh tranh về các lĩnh vực của chúng ta không được cải thiện, một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa về phẩm chất đạo đức... và cao hơn nữa là lòng tin của người dân, của xã hội vào bộ máy hành chính của các cơ quan công quyền bị suy giảm nghiêm trọng.

Thời gian qua, đặc biệt từ đầu năm 2016, bắt đầu cho một nhiệm kỳ mới, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm tới công tác CCHC và đơn giản hóa TTHC, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tại nhiều diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hiện thực hóa điều đó, Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như thực hiện mạnh mẽ công tác CCHC ở các ngành, các lĩnh vực; bảo đảm tính công khai, minh bạch, giảm thời gian và chi phí tuân thủ TTHC; kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan theo hướng tinh gọn, hiệu quả; cải cách chế độ công vụ, công chức theo hướng xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và chính quyền, đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, chất lượng và thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước và dịch vụ công...

Kết quả thu được của Hà Nội trong thực hiện Quyết định số 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chính là những “trái chín” đầu mùa. Nhưng điều đó cho thấy, với những việc khó như thực hiện công tác CCHC và đơn giản hóa TTHC không phải chúng ta không làm được nếu đó thực sự là nhu cầu phát triển tự thân của mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức hành chính nhà nước.

Đó chính là con đường duy nhất để xây dựng bộ máy hành pháp trong sạch, minh bạch, công khai; xây dựng chính quyền gần dân, vì dân phục vụ; thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hoàng Thu Vân