Đỉnh điểm mâu thuẫn với EU
Thế giới - Ngày đăng : 06:53, 04/10/2016
Tuy nhiên, căng thẳng giữa quốc gia này với EU chưa phải đã kết thúc. Với hơn 98% người dân tham gia bỏ phiếu nói “không” với chính sách di cư của EU, nhiều khả năng Thủ tướng Viktor Orban sẽ nỗ lực tìm mọi cách để Hungary "đứng ngoài" cuộc khủng hoảng đang khuấy đảo cả Lục địa già.
Một người di cư Syria cố vượt qua hàng rào thép gai dựng tại biên giới giữa Hungary với Serbia. |
Từ khi làn sóng người tị nạn tràn vào Châu Âu năm 2015, Hungary là một trong những nước thành viên EU tỏ thái độ cứng rắn và phân biệt nhất. Chính phủ cánh hữu của ông V.Orban đã đóng cửa biên giới với các nước láng giềng phía Nam như Romania, dựng hàng rào thép gai để ngăn dòng người tị nạn tràn vào nước mình và kiên quyết phản đối mọi đề xuất về chỉ tiêu tiếp nhận người tị nạn. Cuộc trưng cầu dân ý của Hungary được thực hiện một năm sau khi Ủy ban Châu Âu (EC) ra quyết định phân bổ 160.000 người tị nạn, đang tập trung ở Hy Lạp và Italia, sang nhiều quốc gia thành viên. Theo quyết định của EC, Hungary phải nhận 1.294 người di cư, quá ít nếu so với 400.000 người đã vào Châu Âu qua lãnh thổ Hungary vào năm 2015. Nhưng đối với Thủ tướng V.Orban, vấn đề không phải ít hay nhiều mà là ở chỗ quốc gia này không muốn tiếp nhận bất kỳ một người tị nạn nào theo sự phân bổ trên.
Ngay sau khi Ủy ban Bầu cử Hungary công bố kết quả cuộc trưng cầu dân ý, Người phát ngôn của Chính phủ vẫn tuyên bố, con số cử tri bỏ phiếu phản ánh sự ràng buộc về "chính trị và pháp lý". Còn Thủ tướng V.Orban cho biết ông sẽ thay đổi Hiến pháp Hungary để đưa ra quyết định có tính ràng buộc. Nhà lãnh đạo 53 tuổi lập luận rằng việc có chấp nhận tiếp nhận người tị nạn hay không là vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia. Vì vậy, nếu EU là một cộng đồng dân chủ, họ cần phải tôn trọng ý kiến của người Hungary. Trên thực tế, để thu hút được sự ủng hộ của các cử tri, Chính phủ của Thủ tướng V.Orban đã tiến hành một cuộc chiến thông tin quy mô lớn. Gần 2 triệu euro đã được chi chỉ để in tranh cổ động và khẩu hiệu gieo rắc sự sợ hãi và hoài nghi của người dân Hungary đối với người dân tị nạn với các dòng chữ như “chính sách hạn ngạch là một nguy cơ an ninh lớn” hay các hình ảnh vụ khủng bố ở Nice (Pháp) với chú thích “các vụ tấn công cũng có thể ập đến Hungary bất cứ lúc nào”. Thủ tướng V.Orban nhấn mạnh, một quốc gia với nhiều người theo đạo Kitô như Hungary sẽ không chấp nhận những cộng đồng tị nạn người Hồi giáo, có thể làm dấy lên các thách thức về an ninh quốc gia.
Cuộc trưng cầu dân ý ngày 2-10 được xem là đỉnh điểm của sự mâu thuẫn giữa Hungary với chính sách của EU. Động thái được cho là “ích kỷ” của Budapest đã vấp phải chỉ trích từ các nhà lãnh đạo Cựu lục địa. Ngày 2-10, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz cho rằng, việc tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề này là "trò chơi nguy hiểm" bởi nó đặt nghi vấn về tính hợp pháp của luật pháp EU. Ông cũng nêu vấn đề trừng phạt kinh tế đối với các quốc gia thành viên từ chối thực hiện các cam kết chung của khối. Trước đó, với quan điểm nhằm bảo đảm sự gắn kết và các giá trị vốn có của liên minh, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn đã kêu gọi khai trừ tạm thời thậm chí là vĩnh viễn Hungary khỏi EU do vi phạm những giá trị cốt lõi của khối và đối xử tệ bạc với người tị nạn.
Sau sự việc cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi EU, nhiều người lo ngại, cuộc trưng cầu dân ý tại Hungary sẽ kích thích sự bất mãn và chia rẽ trong ngôi nhà gần 60 năm tuổi. Không loại trừ khả năng, trong thời gian tới các nước thành viên sẽ xem trưng cầu dân ý là một giải pháp phủ quyết chính sách chung của cả EU. Điều này chắc chắn đe dọa tương lai và cả mục đích tồn tại của liên minh này khi các lợi ích chung không được tôn trọng.