Khói rơm rạ "bủa vây" nội thành Hà Nội
Đời sống - Ngày đăng : 06:44, 04/10/2016
Việc đốt rơm rạ ven quốc lộ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. |
Khổ vì khói
Những ngày gần đây, nhiều khu đô thị như: Dương Nội (quận Hà Đông), Thăng Long Number One (quận Cầu Giấy), Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai)… liên tục bị bao phủ bởi khói bụi.
Theo ông Lê Trần Thành, sống tại Khu đô thị Thăng Long Number One, cứ chiều tối cả khu nhà lại bị bao phủ bởi khói và càng về khuya càng đậm đặc. “Tiết thu mát mẻ mà gia đình tôi không dám mở cửa sổ. Bởi tôi chẳng biết là khói gì, có nguy hại đến sức khỏe của mình hay không?”. Trong khi đó, chị Nguyễn Thu Hằng, sống tại tòa nhà NƠ 4, Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, phản ánh: “Khói bao phủ cả một vùng rộng khắp. Dù không thường xuyên nhưng mỗi khi khói tràn vào nhà, mắt mũi cay xè, rất khó chịu. Tình cảnh này diễn ra nhiều năm rồi, nguyên nhân cũng được biết là do người dân quanh vùng đốt rơm rạ sau vụ gặt. Nhưng không hiểu sao chính quyền chưa có biện pháp can thiệp, hay ít ra tuyên truyền để người dân hiểu?”.
Chiều 3-10, có mặt tại xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận hiện tượng bà con nông dân đốt rơm rạ, gây nên tình trạng khói, bụi ô nhiễm. Dọc quốc lộ 21B, rơm rạ đã được chất thành đống và đốt khiến khói âm ỉ tỏa ra khắp nơi. Ông Phạm Quốc Tịch, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Bích Hòa thừa nhận về tình trạng đốt rơm rạ tại địa bàn; đồng thời cho biết, trước mỗi vụ gặt, chính quyền xã đều thông tin trên hệ thống truyền thanh, yêu cầu bà con không tuốt lúa cũng như chất đống rơm rạ tại nhà để đề phòng cháy nổ, ảnh hưởng đến các công trình công cộng.Vì vậy, bà con đều để rơm rạ tại ruộng.
"Chính quyền khuyến khích người dân ủ rơm rạ tại ruộng để làm phân bón cho cây trồng. Lực lượng công an xã cũng thường xuyên kiểm tra, yêu cầu người dân không đốt rơm rạ vì sẽ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bà con. Tuy nhiên, hiện nhu cầu dùng rơm rạ làm chất đốt không nhiều, cùng lắm chiếm từ 2 đến 3% nên nhiều hộ bỏ rơm ngoài ruộng. Xã Bích Hòa giáp ranh với nhiều vùng bãi, nên khi vào vụ thu hoạch, người nơi khác đến gặt giúp, sau đó chất rơm thành đống rồi đốt. Vài ngày sau họ mới quay lại để thu gom tro mang đi bón cho cây trồng. Do đó, khi phát hiện sự việc, công an xã và tổ bảo vệ chỉ khoanh lại ngăn việc cháy lan sang các đống rơm khác chứ không có chế tài xử lý…” - ông Phạm Quốc Tịch nói..
Khói, bụi từ đốt rơm rạ rất nguy hiểm
Thực tế, tác hại của việc đốt rơm rạ đã nhiều lần được cảnh báo. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, TS Hoàng Dương Tùng phân tích, đốt rơm rạ là một trong những nguyên nhân chính khiến ô nhiễm bụi mịn PM2,5. Các hạt bụi này đi sâu vào đường hô hấp rất nguy hiểm cho sức khỏe. Trước hết, chính người dân tại khu vực đốt rơm rạ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tháng 10 là mùa hanh khô, khói, bụi từ đốt rơm rạ có thể lan rộng sang khu vực lân cận, vào tận nội thành. Do đó, việc đốt rơm rạ này khiến ô nhiễm không khí trở nên trầm trọng hơn.
Cũng theo TS Hoàng Dương Tùng, đây cũng là vấn đề nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á gặp phải, nhưng ở Việt Nam việc này phổ biến và xảy ra ở rất nhiều nơi. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành giúp đỡ bà con nông dân trong việc tiêu thụ rơm, làm ra các sản phẩm từ rơm, tuyên truyền, vận động bà con nông dân không đốt rơm rạ. "Trong khi một số tỉnh Nam Trung Bộ như: Bình Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi… bà con rất cần rơm rạ để chèn, lót khi đóng thùng hàng nông sản vận chuyển đi tiêu thụ tránh bị giập nát thì nhiều nơi lại thừa, đốt bỏ đi. Tôi nghĩ, nên chăng, chính quyền các địa phương cần nghiên cứu vấn đề này, tìm hướng đi có lợi giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, không nên để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ bừa bãi như hiện nay” - TS Hoàng Dương Tùng nói.
Theo Báo cáo môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 vừa được công bố, Việt Nam đang phải đối mặt với hiện tượng sương mù quang hóa - một loại ô nhiễm không khí đặc biệt do sự tương tác giữa bức xạ tia cực tím của Mặt trời với khí thải từ động cơ xe máy, khí thải công nghiệp, khói từ cháy rừng, đốt nương rẫy theo mùa vụ. Hiện tượng này đã và đang xuất hiện tại hầu hết các trung tâm đô thị, nhưng đặc biệt rõ nét ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - nơi có mật độ phương tiện giao thông dày đặc, với lượng khí thải lớn...