Ứng trước 3.000 tỷ bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường tại miền Trung

Đời sống - Ngày đăng : 21:36, 04/10/2016

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi nội dung trả lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ đối với một số vấn đề mà báo chí và dư luận quan tâm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN


Đó là việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án dùng ngân sách Nhà nước để xử lý một phần nợ xấu nằm trong dự thảo Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; các biện pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế khi mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố năng lực cạnh tranh toàn cầu 2016-2017 của Việt Nam giảm 4 bậc so với năm ngoái (xếp ở vị trí 60).

Người phát ngôn của Chính phủ cũng đã trả lời về công tác thống kê và phương án hỗ trợ thiệt hại sau vụ việc cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh ven biển Miền Trung vừa qua, việc sử dụng kinh phí bồi thường 500 triệu USD của Formosa Hà Tĩnh; quan điểm của Chính phủ về đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động; chỉ đạo của Chính phủ về việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Xử lý nợ xấu dứt điểm và hiệu quả

Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, theo kinh nghiệm của nhiều nước, để xử lý nợ xấu dứt điểm và có hiệu quả thì cần phải có nguồn lực về tài chính, có nước phải chi rất nhiều tiền, có thể lên tới 10-15% GDP.

Thời gian qua, trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn rất khó khăn, việc xử lý nợ xấu không sử dụng trực tiếp từ nguồn ngân sách Nhà nước mà được thực hiện thông qua các biện pháp như trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro, tăng cường thu hồi nợ, bán, phát mại tài sản bảo đảm thu hồi nợ, chuyển nợ xấu thành vốn góp, thành lập Công ty quản lý tài sản (VAMC) để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng bằng trái phiếu đặc biệt VAMC, tổ chức tín dụng sử dụng trái phiếu này để vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Để giải quyết căn bản nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng, triển khai cơ chế mua, bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Trên cơ sở đánh giá, tổng kết tình hình xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015, việc sử dụng các nguồn lực tài chính để xử lý nợ xấu của nền kinh tế thời gian tới sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, bảo đảm đúng quy định pháp luật, an toàn nợ công, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong các năm gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong 3 năm liền, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 19 (năm 2014, 2015, 2016), đề ra và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chính phủ cũng đã thành lập Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh để tham mưu, tư vấn giúp Chính phủ chỉ đạo công tác quan trọng này. Trên thực tế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện rất tích cực.

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2016-2017 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tụt 4 bậc so với năm trước.

Thực tế, chỉ số của Việt Nam vẫn cải thiện hơn năm trước, nhưng do tốc độ chậm hơn so với nhiều nước, nhất là chỉ số về mức độ sẵn sàng công nghệ, đổi mới sáng tạo, chất lượng kết cấu hạ tầng. Kết quả đánh giá qua các năm cũng cho thấy, Việt Nam cần phải cố gắng nỗ lực nhiều nhanh hơn nữa trong vấn đề này, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19; khắc phục các bất cập, nâng cao chất lượng thể chế, thực hiện quyết liệt các khâu đột phá chiến lược, trong đó có hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nâng cao năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, tạo động lực mới cho tăng trưởng.

Chính phủ tiếp tục thực hiện nhất quán tái cơ cấu tổng thể và đồng bộ nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty), cơ cấu lại thị trường tài chính (trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, xử lý hiệu quả nợ xấu…) và tái cơ cấu đầu tư (trọng tâm là đầu tư công gắn với cơ cấu lại thu chi ngân sách, bảo đảm an toàn nợ công); tăng cường đổi mới khu vực sự nghiệp công lập.

Đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng nhanh năng suất nội bộ ngành. Phát triển mạnh khu vực tư nhân; phát huy tiềm năng thế mạnh, tăng cường hợp tác liên kết vùng, vai trò đầu tàu và tác động lan toả của các vùng kinh tế động lực.

Ứng trước 3.000 tỷ đồng cho các tỉnh bồi thường thiệt hại

Nói về việc hỗ trợ thiệt hại do sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết các tỉnh trên đã hoàn thành việc thống kê thiệt hại của người dân, hộ gia đình bị ảnh hưởng. Công tác thống kê được các địa phương tiến hành theo nguyên tắc: Công bằng, công khai, minh bạch, dân chủ, đúng pháp luật và được công bố, công nhận trong cộng đồng.

Việc thống kê thiệt hại được tiến hành từ cấp thôn, với sự tham gia của chính quyền, đại diện đoàn thể, người dân và đại diện chức sắc tôn giáo cùng cấp. Sau đó kết quả thống kê sẽ được thẩm định tại cấp huyện, thẩm tra tại cấp tỉnh cùng với sự tham gia của các thành phần nêu trên và đến nay đã gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng Đề án xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường; sau khi lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành và địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đến ngày 29/9, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại 4 tỉnh bị thiệt hại do sự cố môi trường biển (Quyết định 1880/QĐ-TTg), trong đó xác định 7 nhóm đối tượng được bồi thường: Khai thác hải sản; nuôi trồng thuỷ sản; sản xuất muối; hoạt động kinh doanh thuỷ sản ven biển; dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; thu mua, tạm trữ thuỷ sản.

Đồng thời, cũng quy định về định mức cụ thể cho từng nhóm đối tượng và thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa là 6 tháng (từ 4/2016 đến hết tháng 9/2016). Giao Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ xem xét quyết định trước ngày 10/10/2016.

Ngày 30/9, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã họp và quyết định ứng trước 3.000 tỷ đồng (từ kinh phí bồi thường của Công ty Formosa) cho các tỉnh, để tạm ứng cho các đối tượng được bồi thường thiệt hại trong thời gian chờ hoàn tất các thủ tục cần thiết.

Nâng tuổi nghỉ hưu là tất yếu

Người phát ngôn của Chính phủ cũng cho biết việc nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động là xu thế tất yếu và được nhiều quốc gia thực hiện. Tuổi nghỉ hưu ở nước ta đã được quy định và duy trì từ lâu, đến nay đã có nhiều yếu tố thay đổi, trong đó có sức khoẻ và tuổi thọ của người dân được nâng lên (trên 73 tuổi).

Việc nâng tuổi nghỉ hưu cần được xem xét một cách tổng thể, phù hợp với tuổi thọ trung bình và điều kiện kinh tế-xã hội; bảo đảm việc làm, thu nhập của người lao động đang làm việc và người bước vào độ tuổi lao động; bảo đảm an sinh xã hội, chế độ hưu trí...

Vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động liên quan đến lực lượng lao động xã hội, quyền lợi của người lao động và có tác động xã hội rộng lớn, nên phải nghiên cứu, phân tích kỹ với nhiều phương án, lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Hoàn thiện kỳ thi thông qua đổi mới phương thức thi

Người phát ngôn của Chính phủ cho hay, trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai những năm gần đây, năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện kỳ thi thông qua đổi mới phương thức thi. Hầu hết các môn thi (trừ môn Ngữ văn) được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Thời gian thi được rút ngắn từ 4 ngày xuống còn 2 ngày. Số bài thi tăng lên để tránh tình trạng học lệch. Mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi trắc nghiệm riêng, kết quả làm bài của thí sinh được chấm bằng máy nên cơ bản loại trừ được tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình coi thi, chấm thi làm cho kết quả kỳ thi có độ tin cậy cao hơn. Đây là sự tiếp nối quá trình đổi mới trong những năm vừa qua theo lộ trình.

Từ năm 2007, Bộ đã tổ chức 4 môn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Bộ cũng đã chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn giáo viên kiểm tra, đánh giá quá trình học tập tất cả các môn học của học sinh bằng cả hai phương thức tự luận và trắc nghiệm. Giáo viên và học sinh đã quen thuộc với hình thức thi trắc nghiệm từ nhiều năm nay, do vậy không làm ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học và ôn tập của giáo viên và học sinh.

Trong quá trình xây dựng phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 đã tham vấn ý kiến các chuyên gia, các trường đại học và các Sở Giáo dục và Đào tạo trong cả nước.

Để tổ chức tốt kỳ thi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sớm công bố đề thi minh họa để thí sinh và giáo viên tham khảo, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là ngân hàng đề thi; tích cực thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy; tăng cường kiểm định và nâng cao chất lượng đào tạo, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới. 

Theo TTXVN