Bài 2: Doanh nghiệp vẫn đứng ngoài cuộc
Kinh tế - Ngày đăng : 07:01, 04/10/2016
Khó trăm bề
TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) nhận định, số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp ít nhưng đa phần hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất nông nghiệp lợi nhuận thấp, DN đầu tư vào lĩnh vực này thường xuyên chịu rủi ro bởi thiên tai, lũ lụt và thị trường tiêu thụ bấp bênh. Các dự án đầu tư vào nông nghiệp cần số vốn lớn, song tính khả thi thấp nên các ngân hàng thương mại thường không mặn mà...
Phần đất thuộc dự án xây dựng Nhà máy Bao tiêu sản phẩm nông nghiệp của Công ty Ba Huân tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: Khánh Huy |
Khó khăn lớn nhất hiện nay mà DN đầu tư vào nông nghiệp đang vấp phải là quỹ đất. Tại xã Tân Ước, huyện Thanh Oai (Hà Nội), dù sản xuất nông nghiệp không mấy hiệu quả nhưng DN muốn vào thuê đất đầu tư phát triển nông nghiệp lại khó trăm bề. Ông Vũ Minh Sơn, Chủ tịch UBND xã Tân Ước cho biết, năm 2015, một DN của Nhật Bản về địa phương khảo sát, đặt vấn đề thuê 100ha đất để trồng rau sạch. DN cam kết sẽ bảo vệ môi trường bền vững và ký hợp đồng thuê đất với các hộ dân. Đặc biệt, hộ dân nào có nhu cầu sẽ được tuyển dụng vào làm công nhân với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, sau tin vui là khó khăn: Căn cứ vào các quy hoạch được duyệt thì khu đồng DN muốn thuê đất để trồng rau lại nằm vào quy hoạch trồng lúa, các vùng được quy hoạch trồng rau lại nằm tản mát ở các thôn và cũng không đủ 100ha cho DN thuê.
Tương tự, Phúc Thọ là huyện thuần nông, chủ yếu theo phương thức truyền thống, ngoài một số mô hình chuyển đổi nhỏ, những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa quy mô lớn chưa có. Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho biết, huyện xác định tạo mọi điều kiện để thu hút DN vào đầu tư và coi đây là tiền đề để phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao trên địa bàn. “DN sản xuất trứng sạch Ba Huân đặt vấn đề với huyện thuê 10ha đất để xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà và sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, để DN thuê được đất, phải đàm phán với hàng trăm hộ dân mất rất nhiều thời gian và đến nay vẫn chưa xong”.
Còn theo đánh giá của ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa): Muốn giải quyết được hạn chế này thì phải có “bàn tay” của Nhà nước bằng các chính sách cho nông nghiệp. “Muốn có 100-200ha đất trồng mía, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để gom đất. Nhiều hộ nông dân không muốn làm ruộng, bỏ ruộng hoang nhưng không muốn cho DN thuê. Vì vậy, nếu Nhà nước không có cơ chế tháo gỡ vấn đề này và hỗ trợ về đất đai thì DN không thể có vùng sản xuất lớn” - chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Trong khi DN đầu tư vào bất động sản lợi nhuận có thể thu về 500% chỉ trong một đêm thì đầu tư vào nông nghiệp lợi nhuận chỉ khoảng 3%/năm. Giá trị gia tăng thấp, trong khi chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp của ta chưa đủ mạnh nên số DN đầu tư vào lĩnh vực này ít. Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích DN nhưng kết quả chưa đạt như kỳ vọng. |
Doanh nghiệp quy mô nhỏ, ít vốn
Theo thống kê, đến nay cả nước có khoảng 3.643 DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm số lượng chưa đến 1%, trong đó 90% số DN đầu tư là DN nhỏ, thậm chí siêu nhỏ với số vốn dưới 10 tỷ đồng; 6,5% DN có vốn từ 10 đến 50 tỷ đồng và trên 1% DN có mức vốn trên 200 tỷ đồng. Vốn sản xuất kinh doanh tính bình quân cho 1 lao động trong các DN nông nghiệp là 200 triệu đồng, bằng gần 1/4 số vốn bình quân cho 1 lao động trong các DN của tất cả các ngành kinh tế. Không chỉ lượng vốn đầu tư ít mà trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2013, cả nước có 3.486 DN mới thành lập với số vốn 126.469 tỷ đồng, nhưng lại có 475 DN (chiếm 15%) bị giải thể vì làm ăn thua lỗ. Điều này cho thấy DN đầu tư vào nông nghiệp còn quá nhỏ bé so với nhu cầu thực tế của ngành.
Ông Phạm Xuân Hòa, Phó Trưởng ban Đổi mới và quản lý DN nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: Nhiều DN làm ăn thua lỗ, bởi chưa tách bạch được hoạt động sản xuất kinh doanh với hoạt động công ích. Hiện một số hoạt động như dự trữ lương thực bình ổn giá, bao tiêu cánh đồng mẫu lớn chưa được xem như hoạt động công ích nên DN gặp nhiều khó khăn. Về phía DN cũng có những yếu kém nhất định trong việc xác định chiến lược kinh doanh, một số DN làm nông nghiệp nhưng không tập trung đầu tư vào nông nghiệp mà đầu tư vào các lĩnh vực khác trong khi năng lực về kinh doanh yếu, vốn ít làm thất thoát tài sản dẫn tới phá sản. Đặc biệt, không chỉ yếu về năng lực tài chính, năng lực xây dựng phương án sản xuất kinh doanh của đa số DN nông nghiệp cũng hạn chế, không đủ điều kiện thế chấp và tín chấp đối với các khoản vốn vay ngân hàng nên không có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất và làm ăn lớn.
Đồng quan điểm này, ông Trần Xuân Long, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, năng lực của DN nông nghiệp nhìn chung còn yếu, nhất là năng lực về tài chính, cơ sở vật chất, đặc biệt là việc đầu tư liên kết xây dựng vùng nguyên liệu. Ngoài ra, khi thực hiện các mô hình sản xuất lớn, DN chưa thực sự đồng hành cùng nông dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm, thậm chí còn nợ đọng tiền của nông dân. Cụ thể, ông Dương Văn Hùng, một hộ chăn nuôi bò sữa ở Quốc Oai (Hà Nội) cho biết, khi bán sữa cho DN chế biến thường xuyên bị chịu tiền từ 1 đến 2 tháng, rất khó khăn cho quay vòng vốn đầu tư...
(Còn nữa)