Chuyển động tầm cao, chuyển biến tầm gần
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:21, 05/10/2016
Vì thế, trong phiên họp Chính phủ tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ lệnh: “Cả bộ máy phải chuyển động, tạo mọi điều kiện, tháo gỡ mọi rào cản cho sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp”. Nhưng để sự “chuyển động” sớm thu trái ngọt thì việc nhìn nhận những điểm nghẽn của nền kinh tế, hành chính là rất quan trọng.
Đến thời điểm này, khi tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên và nguồn nhân công giá rẻ đã cơ bản bão hòa thì thẳng thắn mà nói, chỉ còn một số dư địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu. Đó là: Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ năm 2016, cải thiện cầu và sức mua trong nước, sự phát triển mạnh mẽ của Ngành Du lịch và sự phục hồi của Ngành Nông nghiệp. Đặc biệt, làm sao thu hút sự tham gia của doanh nghiệp dân doanh vào nền kinh tế với mục tiêu hướng tới là có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Và con đường ngắn nhất để đạt kết quả đó là xây dựng một chính quyền phục vụ, chính quyền kiến tạo.
Điều này cho thấy, Chính phủ đã đánh giá đúng thực trạng để “bốc thuốc”, từ đó có các giải pháp tương thích. Nhưng khó khăn hơn là biến quyết tâm thành hành động thực tế trong cuộc sống. Rõ ràng, để hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thật sự có hiệu quả, hiệu lực thì cần phải có bộ máy tốt, con người tốt và điều này phải lan tỏa đến từng cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là những cán bộ, công chức, viên chức đang hằng ngày, hằng giờ trực tiếp tiếp xúc với dân qua công việc. Do đó, một trong những việc quan trọng cần phải làm ngay là cố gắng cải cách, tinh gọn bộ máy hành chính và nâng cao hiệu quả hoạt động ở mức cao nhất có thể. Hơn nữa, không để xảy ra tình trạng chuyển biến ở tầm cao và dần nguội lạnh ở cấp cơ sở trực tiếp thực thi mệnh lệnh thì quyết tâm chính trị mới có thể chuyển hóa thành hiệu quả cụ thể.
Chúng ta đã nghe quá nhiều những câu chuyện “trên bảo dưới không nghe”, “nghe xong không làm”, “hô hào, phát động rồi để đó”, “trên trải thảm, dưới rải đinh”… Đó là những ung nhọt đã mưng mủ bấy lâu nay trong nền hành chính nước ta. Thời gian qua, “nút thắt” này đã được người đứng đầu Chính phủ quyết tâm tháo gỡ. Để trị căn bệnh này, Thủ tướng đã mở toang “cánh cửa” để cấp dưới có thể gọi điện trực tiếp báo cáo, xin ý kiến, tránh tình trạng thụ động chờ công văn, mực đen, dấu đỏ về đến địa phương, cơ sở thì đã muộn.
Có thể nói, kỷ luật thực thi không nghiêm đã vô hiệu hóa nhiều nỗ lực cải cách thể chế. Sức nóng và sự thôi thúc của cải cách chưa thấm tới hành vi và thái độ của từng công chức ở cơ sở để mỗi người dân và doanh nghiệp có thể cảm nhận, yên tâm. Do đó, con đường duy nhất đúng để đạt mục tiêu là phải chấp nhận khó khăn về phía Nhà nước, về phía cán bộ quản lý, đồng thời phải tạo được thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và coi là mục tiêu trên hết. Cái gì kìm hãm thì phải bỏ ngay, cái gì có lợi cho dân thì nỗ lực thực hiện. Chỉ khi nào những eo xèo của doanh nghiệp, cá nhân đối với bộ máy công quyền ở mức thấp nhất thì công cuộc cải cách, quyết tâm đổi mới (thể hiện ở sự tăng trưởng) mới sớm thành hiện thực.
Đất nước đang đứng trước những thách thức to lớn khi hội nhập sâu, rộng với kinh tế thế giới, đòi hỏi những động thái quyết liệt nhằm loại bỏ những thói quen hay cách hành xử cũ, dễ làm phát sinh tiêu cực, gây mất lòng tin. Chuyển động tầm cao phải được thể hiện bằng chính những chuyển biến tầm gần - nơi sát dân, sát doanh nghiệp nhất. Hơn hết, nhân dân đang đặt niềm tin vào điều đó!