Quản lý thực phẩm thủy, hải sản: "Vướng" quy định pháp lý
Xã hội - Ngày đăng : 07:04, 05/10/2016
Thủy sản nhiễm chất cấm tăng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2016 đến nay, sau khi tiến hành lấy 548 mẫu thủy sản để kiểm tra phân tích, cơ quan chức năng phát hiện 76 mẫu (tỷ lệ 13,8%) nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm trong danh mục, tập trung vào các loại thủy sản như cá kèo, cá diêu hồng, cá trê, cá basa,... Ngoài ra, 51/160 cơ sở kinh doanh thủy sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng bị phát hiện vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Nhiều loại thủy sản tiêu thụ trên thị trường chưa được kiểm soát chặt chẽ. |
Trong số 76 mẫu thủy sản nhiễm chất cấm bị phát hiện, nơi có tỷ lệ vi phạm cao nhất là tại các cơ sở sản xuất kinh doanh với 21/85 mẫu (tỷ lệ 24,7%). Tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, qua kiểm tra, phát hiện 55/335 mẫu nhiễm chất cấm (tỷ lệ 16,4%), tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Tại các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố, qua kiểm tra 128 mẫu, không phát hiện dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm. Hầu hết thủy sản nhiễm chất cấm có nguồn gốc từ các tỉnh lân cận. Các tỉnh có tỷ lệ mẫu thủy sản nhiễm chất cấm nhiều nhất là An Giang với 12/38 mẫu (tỷ lệ 31,6%), Bạc Liêu 7/18 mẫu (tỷ lệ 38,9%), Sóc Trăng 11/26 mẫu (tỷ lệ 42,3%). Tính riêng trong tháng 9-2016, hơn 37 nghìn tấn sản phẩm thủy sản được đưa vào thành phố có nguồn gốc từ các khu vực khác, chiếm phần lớn lượng thủy sản được tiêu thụ trên địa bàn.
Cần tháo gỡ về quy định
Trước tình hình thủy sản nhiễm chất cấm tăng cao như hiện nay, cách xử lý, ngăn chặn các lô hàng vi phạm vẫn chưa thực sự hiệu quả. Ông Trần Văn Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP Hồ Chí Minh cho biết, không thể nhận biết sản phẩm thủy sản bị nhiễm chất cấm bằng cảm quan, và thường phải mất khoảng 2 tuần mới có kết quả xét nghiệm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm. Tuy nhiên, lô hàng thủy sản lại được tiêu thụ ngay trong ngày, không có quy định phải tạm giữ và nếu có cũng không có nơi lưu giữ nên khi biết bị nhiễm chất cấm thì sản phẩm đã được tiêu thụ trong dân.
Liên quan vấn đề này, bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho biết đã kiến nghị nhiều lần với Bộ NN&PTNT về việc cần thay đổi quy định về tạm giữ lô hàng khi phát hiện dấu hiệu vi phạm không thông qua kiểm nghiệm, nhằm không cho lô hàng lưu thông nhưng đến nay vẫn chưa có chỉ đạo mới. Do đó, biện pháp hiện nay là quản lý chặt từ đầu nguồn vào thành phố, cụ thể là tập trung giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm tại chợ đầu mối. Khi phát hiện lô hàng bị nhiễm chất cấm, Sở sẽ thông báo về địa phương của nguồn cung thủy sản để tiến hành xử lý cơ sở kinh doanh trên địa bàn quản lý.
Biện pháp thứ hai cần được tháo gỡ, theo ông Trần Văn Sơn, cần có chế tài mạnh hơn đối với những người sản xuất cố tình sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản, như quy định hiện nay đối với xử lý chất cấm trong gia súc, gia cầm. Bởi đối với thực phẩm nhiễm chất cấm bị phát hiện thì cơ sở chỉ bị phạt hành chính chứ khó có thể xử lý hình sự, vì theo quy định để xử lý hình sự cần phải chứng minh được thực phẩm đó làm tổn hại đến sức khỏe từ 31 đến 60%.
Để tăng cường hơn nữa việc ngăn chặn thực phẩm bẩn từ đầu nguồn, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP Hồ Chí Minh đã đưa vào vận hành đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức về thủy sản không an toàn. Bên cạnh đó, Chi cục cũng khuyến cáo người dân mua thủy sản rõ nguồn gốc, những nơi có áp dụng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn như GAP, GMP,… để bảo đảm an toàn.