Tiếp nhận 75 trường hợp bị bỏng do bất cẩn chỉ trong một tháng
Xã hội - Ngày đăng : 15:12, 05/10/2016
Điển hình, tối 2/10, các bác sĩ khoa Bỏng (BV Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội) tiếp nhận chị Nguyễn T (48 tuổi ở quận Long Biên, Hà Nội) bị bỏng mỡ từ mặt xuống ngực, hai tay, lưng, diện tích 30%. Nguyên nhân là do khi đang rán mỡ, chị T. sơ ý làm chảo bị lật và mỡ bắn vào người gây bỏng.
Tương tự, cháu Quốc H (13 tháng tuổi ở huyện Đông Anh, Hà Nội) bị bỏng nặng từ chiếc ấm siêu tốc. Mẹ cháu kể, hôm đó, tôi vừa đổ đầy nước vào chiếc ấm siêu tốc để đun, biết con hiếu động hay đùa nghịch tôi đã đặt hẳn vào góc phòng rồi mới cắm điện. Sau đó, tôi ra ngoài phơi đồ. Nhưng ra ngoài chưa đầy 5 phút thì đã nghe tiếng con khóc ré lên, tôi chạy vào xem thì mới tá hỏa cháu đang ôm cả chiếc ấm vào người. Hoá ra trong lúc tôi phơi quần áo, cháu đã tò mò lại gần chiếc ấm rồi ôm trọn chiếc ấm vào lòng...
Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng (Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết, đa phần các trường hợp tai nạn bỏng nhập viện đều bắt nguồn từ sự lơ là, bất cẩn của người lớn trong quá trình trông nom, chăm sóc trẻ. Trong trường hợp trẻ bị bỏng, trước hết người lớn phải bình tĩnh, nhanh chóng cách ly trẻ khỏi nguồn gây bỏng. Sau đó, tưới rửa vùng bỏng dưới vòi nước sạch, phủ vùng bỏng bằng gạc sạch rồi nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế bằng phương tiện tốt nhất, không cần thiết phải bôi thuốc vào vết bỏng. “Việc làm nguội vết thương bằng nước lạnh có tác dụng giúp vết thương không bị lan rộng, vết bỏng nhỏ lại và giảm cảm giác đau đớn cho người bị bỏng. Việc xả nước vào vết bỏng cần lưu ý vặn vòi nước thật nhỏ và nhẹ nhàng tưới lên vết bỏng”, bác sĩ Nguyễn Thống nói.
Bác sĩ Nguyễn Thống cũng lưu ý, nếu vùng bỏng có dính với quần áo thì cần nhanh chóng nhẹ nhàng cởi bỏ trước khi vết thương phồng rộp thành bọng nước. Nếu quần áo dính vào vết thương thì tuyệt đối không được tự ý, hay cố làm mọi cách để lôi ra. Nhiều trường hợp, dùng đá lạnh để chườm sẽ làm giảm thân nhiệt của trẻ. Tùy tình trạng nặng hay nhẹ, diện tích bỏng lớn hay nhỏ, nhà ở gần bệnh viện hay ở xa bệnh viện để phụ huynh đưa các bé đến khám. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bỏng và có hướng xử trí thích hợp. Nếu bố mẹ chăm sóc bé tại nhà thì mỗi ngày cần thay băng, rửa vết thương với NaCl và bôi kem chữa bỏng. Vết thương cần được đắp gạc để giữ độ ẩm cho da. Sau 2 tuần, đa số vết bỏng độ 2 sẽ lành và ít để lại sẹo.
Theo các bác sĩ, cách tốt nhất đề phòng không bị bỏng đó là mỗi người hãy cẩn thận hơn khi nấu ăn, nướng cá mực hay sử dụng xăng dầu, ga, điện. Đối vối trẻ thì để xa các đồ vật dễ gây bỏng vì tâm lý trẻ hay nghịch. Nếu không may bị bỏng nên đưa ngay người đó đến các cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu và điều trị.