Thực hiện khoán xe công: Minh bạch, công bằng và giảm chi ngân sách
Kinh tế - Ngày đăng : 05:28, 05/10/2016
Việc tiên phong thực hiện khoán xe công của Bộ Tài chính được dư luận đồng tình, ủng hộ, đặc biệt trong bối cảnh NSNN còn eo hẹp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu công bằng, minh bạch và tiết kiệm NSNN.
Việc khoán chi phí đi lại của cán bộ, công chức sẽ ngăn chặn việc lạm dụng xe công vào việc tư, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Ảnh: Gia Minh |
Giảm 1.500 tỷ đồng "nuôi" xe
Thống kê của ngành chức năng cho thấy, tổng số xe công cả nước ta vào khoảng 37.000 xe, trong đó có hơn 24.000 xe phục vụ công tác chung, 2.000 xe phục vụ chức danh cụ thể... Kinh phí “nuôi” một xe công trung bình mỗi năm khoảng 320 triệu đồng/năm, gồm lương lái xe, hao mòn, xăng dầu... Ước tính mỗi năm, kinh phí "nuôi" số xe công này là 12.800 tỷ đồng tiền NSNN. Bộ Tài chính cũng ước tính, nếu thực hiện khoán xe với toàn bộ số xe phục vụ công tác chung trên cơ sở chi phí cho 1km xe công với giá bình quân của xe taxi, mỗi năm NSNN sẽ tiết kiệm khoảng 1.500 tỷ đồng.
Để gương mẫu trong việc khoán xe công, từ ngày 3-10, 6 thứ trưởng và 5 tổng cục trưởng của Bộ Tài chính đã nhận khoán kinh phí sử dụng xe chức danh. Trong đó, 6 vị thứ trưởng sẽ nhận khoán tiền sử dụng xe công từ 3,96 triệu đồng đến 9,9 triệu đồng/người/tháng cho 2 chặng từ nơi ở đến nơi làm việc mỗi ngày. Trong đó, các Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Chí và Trần Xuân Hà có mức khoán kinh phí sử dụng là 9,9 triệu đồng/tháng (với số kilômét khoán tương đương là 15km/lượt). Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải được áp dụng mức khoán thấp nhất với số tiền 3,96 triệu đồng do khoảng cách đi lại là 6km/lượt...
Nhận xét về việc tiên phong khoán xe công của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, đây là một việc làm đúng đắn để cụ thể hóa một chủ trương hợp lý, đặc biệt khi Bộ Tài chính - cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý tài sản công - đi tiên phong thực hiện. Hướng đi tiếp theo là cơ chế khoán sẽ không chỉ dừng lại ở dịch vụ đưa đón cán bộ tại nhà, mà có thể mở rộng ra áp dụng thêm với các dịch vụ công khác với yêu cầu tiên quyết là tiết kiệm cho NSNN. Khoán xe công còn mang một ý nghĩa lớn mà Bộ Tài chính hướng đến là thay đổi tư duy cũ về hình ảnh của những người lãnh đạo cao cấp trong mắt nhân dân. Nếu như trước đây hình ảnh thứ trưởng, tổng cục trưởng đi họp, đến cơ sở có xe biển xanh chở vào tận cổng, có người đón tiếp, thì bây giờ người dân có thể nhìn thấy hình ảnh của những "công bộc của dân này" đi taxi, thậm chí là xe buýt để đến nơi làm việc, sẽ tạo sự thân thiện, gần gũi hơn...
Thời gian tới, taxi có thể sẽ là loại phương tiện được nhiều cán bộ, công chức sử dụng thay vì xe công. Ảnh: Anh Tuấn |
Không để việc khoán xe "chết yểu"
Lợi ích tiết kiệm NSNN từ chủ trương khoán xe công đã rõ, tuy nhiên trên thực tế, cơ chế này hầu như chưa được áp dụng dù được khuyến khích thực hiện đã lâu. Theo Bộ Tài chính, ở cấp trung ương, chỉ có một vài cá nhân đăng ký nhận khoán xe công. Ở địa phương, hiện nay mới chỉ có tỉnh Thái Nguyên ban hành quy định đơn giá thuê xe ô tô công tác với khung giá 4.000-10.000 đồng/km, nhưng cũng mới chỉ có 5 đơn vị thuộc tỉnh này thực hiện với số tiền khoán xe sau gần 4 năm áp dụng là gần 4,7 tỷ đồng. Một số địa phương khác vẫn trong quá trình nghiên cứu để ban hành, hoặc chưa ban hành quy chế khoán vì nhiều nguyên nhân khách quan.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, bên cạnh những “cái được”, việc khoán kinh phí sử dụng xe công cũng có những mặt trái khiến những người được khoán cảm thấy “phiền phức”. Dễ thấy nhất là việc các phương tiện công cộng hay dịch vụ taxi chưa phát triển dẫn đến chưa tạo điều kiện thuận lợi cho những đối tượng thực hiện khoán xe. Hơn thế, một cơ chế chỉ mang tính khuyến khích, không bắt buộc thì thường sẽ không được đối tượng sử dụng lựa chọn. Đặc biệt, tư duy “thích sử dụng xe biển xanh” của nhiều đối tượng là nguyên nhân chính khiến cơ chế khoán không được mở rộng.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc khoán xe công cho các chức danh đủ tiêu chuẩn không phải việc làm mới. Cách đây 8 năm, Văn phòng Quốc hội đã triển khai với mức khoán 10 triệu đồng/tháng, nhưng chỉ có một hai vị thực thi và đến nay đã "chết yểu". Lý giải thêm về điều này, ông Nguyễn Thanh Bình, chuyên viên của Học viện Chính sách phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, do triển khai với hình thức khuyến khích nên số lượng người tham gia khoán xe công không nhiều, rồi sau đó dần quay lại sử dụng xe công. Vấn đề cần quan tâm là sau khi khoán, NSNN có tiết kiệm được đồng nào hay không, bởi nếu không tiết kiệm được tức là không hiệu quả.
Tại cuộc họp báo chuyên đề về quản lý tài sản nhà nước diễn ra mới đây, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới về hiệu quả tiết kiệm NSNN từ việc áp dụng khoán xe công cũng như giải quyết xe dôi dư sau khi áp dụng cơ chế khoán, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định, chức danh có hệ số phụ cấp 0,7 trở lên được sử dụng xe công, hệ số phụ cấp 1,25 được bố trí xe đưa đón và cả nước có 901 xe chức danh. Sau sắp xếp, điều chuyển theo đúng tiêu chuẩn sẽ dôi dư hàng nghìn xe công. Đối với xe dôi dư, nếu quá cũ, địa phương tự bán thanh lý, nộp tiền vào NSNN. Xe vẫn sử dụng được đưa về Bộ Tài chính để điều chuyển, tránh tình trạng nơi thừa phải bán, nơi thiếu lại mua xe mới, gây lãng phí NSNN.