Nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng
Kinh tế - Ngày đăng : 05:50, 05/10/2016
Tín hiệu lạc quan
Lần đầu sau 10 năm (kể từ 2005), ngành Nông nghiệp tăng trưởng âm, vì thế Bộ NN&PTNT đã quyết liệt chỉ đạo tập trung vào 2 nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh tái cơ cấu, trước mắt tập trung vào mặt hàng có dư địa tăng trưởng để bù đắp sự suy giảm của nông nghiệp kéo theo suy giảm toàn ngành, đồng thời đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Kết quả, sản xuất nông nghiệp đã tăng trưởng trở lại, nhờ khởi sắc của nhiều nhóm ngành hàng. Đáng chú ý, chăn nuôi phát triển tương đối ổn định do không xảy ra dịch bệnh, giá bán duy trì ở mức có lợi cho người chăn nuôi. Lượng thức ăn sản xuất dự kiến cả năm đạt khoảng 16 triệu tấn, giá nguyên liệu “đầu vào” thấp hơn so với năm ngoái, ngoài ra, con giống phục vụ chăn nuôi chuẩn bị tốt cũng là yếu tố thuận lợi thúc đẩy phát triển chăn nuôi.
Trong quý III-2016, nhóm mặt hàng rau, quả tăng trưởng bình quân 37%/tháng và nhiều khả năng xuất khẩu rau, quả năm nay đạt từ 2,5 đến 2,6 tỷ USD, vượt tổng giá trị xuất khẩu gạo. Trừ một số loại cây công nghiệp như cao su, sắn, gạo giảm, ngành hạt điều, cà phê, tiêu đều tăng trưởng khá. Nếu các địa phương tập trung quyết liệt thực hiện đồng bộ giải pháp, 6 tháng cuối có thể bù đắp cho phần tăng trưởng âm 6 tháng đầu năm.
Chăn nuôi phát triển ổn định góp phần không nhỏ vào đà tăng trưởng chung của Ngành Nông nghiệp. Trong ảnh: Một hộ chăn nuôi tại xã Trung Châu (huyện Đan Phượng). Ảnh: Thái Hiền |
Một tín hiệu đáng mừng, gần đây nhiều doanh nghiệp (DN) lớn đã chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp. Ví như Tập đoàn Vingroup đầu tư 2.000 tỷ đồng với chiến lược trong 2 năm hoàn thành 300 nhà kính sản xuất rau sạch và chuỗi mặt bằng phân phối nông sản ở các vùng miền. DN Dabaco ở tỉnh Bắc Ninh nổi lên là nhà sản xuất, cung ứng hàng đầu trong chuỗi sản phẩm thịt lợn, thịt gà. Trong năm, DN này sản xuất 45 triệu con giống phục vụ chăn nuôi, trung bình mỗi ngày cung cấp cho thị trường 1 triệu quả trứng thương phẩm. Ngoài ra, DN có 8 siêu thị phân phối sản phẩm sạch... Những chuyển động trong sản xuất, xuất khẩu, Bộ NN&PTNT nhận định, từ nay đến cuối năm tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt từ 4 đến 5%. Riêng Ngành Thủy sản, mở rộng 660.000ha nuôi tôm, bảo đảm sản lượng 680.000 tấn. Dự kiến, xuất khẩu thủy sản 3 tháng cuối năm đạt hơn 3 tỷ USD, tính tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả năm “cán đích” hơn 7 tỷ USD.
Ưu tiên phát triển tôm
Việt Nam đang có lợi thế về nuôi tôm, đây là một trong những đối tượng được ưu tiên tập trung phát triển trong thời gian tới. Tuy vậy, xuất khẩu tôm đang đứng trước những thách thức do Hoa Kỳ cho rằng, Việt Nam bán phá giá tôm, đồng thời lên tiếng sẽ kiện. Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là lần kiện bán phá giá tôm lần thứ 11 của Hoa Kỳ. Xác định rõ, khi chấp nhận “sân chơi” quốc tế đương nhiên có sự đối đầu, Bộ NN&PTNT đang phối hợp tích cực với Bộ Công Thương thống nhất hướng giải quyết, lường trước những tình huống gặp phải để ứng phó. Ví dụ như để tìm kiếm mở rộng thị trường mới, Bộ NN&PTNT đã thành lập Đoàn công tác sang Australia thúc đẩy xuất khẩu tôm nguyên con. Tháng 11 tới, đại diện Australia sẽ sang Việt Nam hoàn tất khâu tổng kiểm tra, mở ra triển vọng lớn cho nuôi tôm nói riêng, xuất khẩu thủy sản nói chung.
Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam có hai nhóm sản phẩm có ưu thế vượt trội là tôm sú và tôm thẻ chân trắng với diện tích nuôi 660.000ha. Để tiếp tục mở rộng diện tích lên 700.000ha nuôi tôm, Bộ NN&PTNT đang tập trung tháo gỡ khó khăn về con giống. Theo đó, đã có 131 DN thực hiện khá tốt khâu tiếp nhận mua giống tôm thẻ chân trắng của nước ngoài về sản xuất; nhờ vậy, tôm giống bố mẹ đã bảo đảm được khoảng 20%. Dự kiến, từ 3 đến 5 năm tới, bằng sự nỗ lực của DN có thể giải quyết được giống bố mẹ tôm thẻ chân trắng, từ đó làm chủ về con giống. Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Viện Thủy sản nghiên cứu giống tôm sú, đến nay đã có sản phẩm ban đầu. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam chủ yếu dùng tôm giống tận dụng ở điều kiện tự nhiên, trước mắt đáp ứng nhu cầu. Về lâu dài, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung chỉ đạo một số đề tài nghiên cứu để giải quyết được giống tôm sú bố mẹ, bởi đây là nhóm ngành có dư địa đặc biệt, có thể mở rộng diện tích và nâng cao giá trị.