Sức hút của nông sản sạch
Kinh tế - Ngày đăng : 07:08, 05/10/2016
Một gian hàng rau hữu cơ tại phiên chợ Xanh tử tế do BSA tổ chức.. Ảnh:Đức Tâm |
Ấn tượng với mô hình "trồng lúa sạch"
Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Dự án Sáng tạo khởi nghiệp, Quỹ Start-up Vietnam Foundation phối hợp tổ chức nhằm tạo ra sân chơi thiết thực cho những người mới lập nghiệp. Trong 22 dự án vào vòng chung kết năm nay, hầu hết là về lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh Đồng Tháp có nhiều dự án vào vòng chung kết nhất với 7 dự án; tiếp theo là TP Hồ Chí Minh với 4 dự án. Có một dự án đến từ Sa Pa (Lào Cai) của Má A Nủ - chàng trai trẻ người Mông.
Vượt qua 21 dự án đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau trên cả nước ở vòng chung kết diễn ra ngày 2-10 tại TP Hồ Chí Minh, “Mô hình trồng lúa sạch của nông trại Tâm Việt” của Võ Văn Tiếng đã xuất sắc đạt giải nhất cuộc thi “Dự án khởi nghiệp 2016”. Mô hình được thực hiện tại xã Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) với diện tích 10ha. Dự án đã tạo ra một mô hình liên kết tuần hoàn giữa trồng trọt và chăn nuôi, khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Bên cạnh sản phẩm chủ lực là lúa, dự án còn có một số sản phẩm phụ như chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá, trồng rau màu, nuôi trùn quế để tạo ra một vòng tuần hoàn liên kết, hỗ trợ lẫn nhau. Trong diện tích 10ha, Võ Văn Tiếng đã dành ra 0,2ha để đắp đê bao, đào ao xung quanh ruộng nhằm làm hàng rào sinh học cách ly với những thửa ruộng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật xung quanh. Diện tích 0,8ha còn lại trồng lúa Nàng hoa 9, được sử dụng hoàn toàn là phân hữu cơ vi sinh. Lúa sau khi thu hoạch sẽ được giám sát quy trình xay xát, đóng gói bằng phương pháp hút chân không theo tiêu chuẩn HACCP (tiêu chuẩn quản lý sản xuất và chế biến thực phẩm của Mỹ), không sử dụng hóa chất bảo quản, và chống mọt.
Ngoài việc nhận giải nhất trị giá 40 triệu đồng, dự án của Võ Văn Tiếng còn nhận được sự quan tâm của thành viên Ban giám khảo, đồng thời nhà đầu tư là ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Vinamit. Đầu tư số tiền ban đầu 50 triệu đồng cho dự án, ông Nguyễn Lâm Viên cho biết muốn tiếp tục gắn bó và đầu tư cho dự án này.
Nâng cao giá trị nông sản địa phương
Hai dự án đoạt giải nhì của Cuộc thi đều liên quan đến chăn nuôi. Cụ thể, dự án S&E thiết bị máng ăn tự động cho lợn của Phạm Minh Công (TP Đà Nẵng) đoạt giải nhì với cách thiết kế máng lợn với nhiều lợi ích thiết thực, giúp giảm giá thành cho Ngành Chăn nuôi, giảm hao phí thức ăn đến 25%, giảm công lao động, hạn chế nguy cơ lây bệnh… Tiếp đến là dự án nuôi lợn rừng theo hướng sạch cho Đồng bằng sông Cửu Long của tác giả Đoàn Phan Dinh (tỉnh Đồng Tháp). Theo đó, dự án mở trại giống lợn rừng độc lập và liên kết với hộ nông dân có tiềm năng nuôi lợn sinh sản trên 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Công ty sẽ bao tiêu đầu ra; hỗ trợ kỹ thuật cho hộ nuôi; cử cán bộ thú y giám sát bệnh và điều trị bệnh bằng thuốc thảo dược... và thu mua sản phẩm theo hợp đồng...
Những dự án còn lại của các nhà khởi nghiệp trẻ cũng hầu hết tập trung nâng cao giá trị nông sản địa phương. Dự án sản xuất và kinh doanh hoa sen sấy khô Ecolotus của Ngô Chí Công (tỉnh Đồng Tháp) đoạt giải ba. Dự án đã lựa chọn phân khúc gia tăng giá trị đầu ra cho hoa sen bằng công nghệ xử lý hoa bất tử (Preserved Florwer) của Pháp giúp hoa giữ màu sắc, độ mềm mịn tự nhiên, giúp gia tăng giá trị của hoa sen. Dự án xây dựng vườn nguyên liệu “Hương Đồng Tháp” của bạn Đoàn Ngọc Minh Thùy (tỉnh Đồng Tháp) hướng đến việc tận dụng các phế phẩm nông nghiệp địa phương để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Dự án sẽ tận dụng các nguyên liệu bỏ đi như vỏ quýt non, hoa không tiêu thụ được… để tạo ra tinh dầu, góp phần tăng giá trị kinh tế cho các sản vật địa phương như: Cây tràm gió, bưởi, chanh, quýt, sả…
Theo Ban Giám khảo, 22 sản phẩm lọt vào vòng chung kết, đặc biệt là các sản phẩm đoạt giải của các bạn trẻ đều là những dự án có tính khả thi cao, có tiềm năng thị trường, đã được triển khai và có kết quả ban đầu. Đặc biệt, các dự án đều hướng đến một nền nông nghiệp, nâng cao giá trị sản vật địa phương. Đây là một khởi đầu rất tốt cho nền nông nghiệp sạch trong tương lai.