Thương lái Trung Quốc ép giá, người nuôi cá sấu lao đao
Kinh tế - Ngày đăng : 08:49, 05/10/2016
Bạc Liêu được xem là “thủ phủ” của nghề nuôi cá sấu ở miền Tây, với tổng đàn hiện lên đến hơn 300.000 con, tập trung nhiều ở huyện Phước Long. Gần đây, người nuôi lao đao vì giá cá bất ngờ tuột dốc mạnh.
Ông Trương Thanh Mai, hộ nuôi cá sấu với quy mô lớn ở huyện Phước Long cho biết, hơn một năm trước, cá sấu thương phẩm có giá hơn 250.000 đồng/kg, với giá này người nuôi có lãi. Tuy nhiên, từ cuối năm 2015 đến nay, giá cá giảm mạnh. Hiện, cá sấu thương phẩm loại dưới 10 kg mỗi con có giá 90.000 đồng một kg, loại 10-15 kg giá 70.000 đồng, loại 15-25 kg giá 60.000 đồng, loại 25-35 kg chỉ còn 50.000 đồng.
“Giá này, người nuôi không có lãi, thậm chí còn lỗ vốn”, ông Mai nói. Ông cho biết, phong trào nuôi cá sấu ở địa phương phát triển mạnh từ năm 2010, do thời điểm đó nuôi cá sấu cho lợi nhuận cao.
Giá cá sấu ở miền Tây đang xuống thấp nhất trong vòng 6 năm gần đây khiến người nuôi lao đao. Ảnh: Phúc Hưng |
Tại Cà Mau, ông Đỗ Văn Đồng - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có khoảng 1.000 hộ đăng ký nuôi cá sấu với tổng đàn khoảng 51.000 cá thể; có gần 9.000 cá thể được xuất bán với gần 70 tấn.
Hơn 6 năm trở lại đây, chưa bao giờ giá cá sấu lại thấp như hiện nay, giá hiện tại thấp hơn rất nhiều so với năm trước từ 200.000 đến 250.000 đồng mỗi kg, và bằng với mức giá của 16 năm trước.
Anh Đoàn Vũ Phong ở huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) cho hay, hơn năm trước thấy dân làng ùn ùn xây chuồng nuôi cá sấu anh cũng vay mượn tiền họ hàng làm theo, nhưng hiện tại 60 con cá sấu của gia đình đã đến tuổi mà không thể xuất bán. “Giờ muốn bán cũng không tìm ra người mua, hoặc nếu có thì họ ép giá còn thấp hơn nữa. Còn nếu để lại thì hàng ngày phải tốn chi phí tiền thức ăn”, anh Phong than thở.
Các hộ nuôi cho rằng, sở dĩ có tình trạng giá cá sấu giảm mạnh là do người nuôi lo sợ giá xuống thấp hơn nên bán tháo, càng tạo cơ hội cho thương lái Trung Quốc bắt tay với giới thu gom ở địa phương ép giá.
Theo ngành chức năng, việc người dân đầu tư mạnh vào mô hình nuôi cá sấu, mà không cần quan tâm đến đầu ra cho sản phẩm rất đáng lo ngại. “Muốn xuất khẩu cá sấu, người nuôi phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp, đúng tiêu chuẩn, đúng thế hệ F2 và có hạn ngạch… Cá sấu hầu hết chỉ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Người dân đồng loạt nuôi theo kiểu tự phát, không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên đến thời điểm thu hoạch rất khó bán khi thương lái ngưng mua”, ông Đỗ Văn Đồng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Cà Mau phân tích.
Có chung quan điểm, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lương Ngọc Lân cho biết, hiện tại người nuôi cá sấu vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định, trong khi lượng hàng tiêu thụ trong nước chỉ chiếm số ít trên tổng đàn hiện có, do đó giá cả phụ thuộc chính vào thương lái quyết định.