Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu chính thức có hiệu lực
Kinh tế - Ngày đăng : 16:29, 05/10/2016
Tại cuộc họp báo, các Đại sứ điểm lại một số nội dung chính của Hiệp định thương mại tự do đã ký kết cách đây 1 năm. Theo đó, việc thành lập khu vực thương mại tự do giữa EAEU với Việt Nam có thể làm tăng kim ngạch song phương từ 4 tỷ USD hiện tại lên 8-10 tỷ USD trong tương lai. Trong năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực, các nhà xuất khẩu trong khu vực sẽ tiết kiệm được khoảng 40 triệu USD tiền thuế. Đặc biệt hơn, cơ hội mà các doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc này, bởi ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, các ngành thủy sản, dệt may, da giày-túi xách… sẽ được cắt giảm thuế tới gần 90%; trong đó có những dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn. Trong bối cảnh như vậy, các mặt hàng như dệt may, nông thủy sản, da giày… của Việt Nam sẽ có lợi thế lớn khi xuất khẩu vào 5 nước thuộc EAEU – một thị trường với 183 triệu người tiêu dùng. Ngược lại, Việt Nam sẽ bãi bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với hơn 59% mặt hàng từ EAEU, bao gồm thịt, bột mì, rượu, thiết bị cơ khí, sản phẩm thép…
Đại sứ Nga Konstantin Vnukov nhất mạnh, đây là FTA đầu tiên được EAEU ký kết với một quốc gia nước ngoài. Đây là một minh chứng mạnh mẽ cho quan hệ tốt đẹp giữa 2 bên. Hiệp định này không chỉ gia tăng khối lượng thương mại, mà còn tạo những điều kiện thuận lợi cho đầu tư, công nghệ, sử dụng nguồn nhân lực có chuyên môn. Ngoài ra, Hiệp định cũng quy định việc bảo vệ các quyền đối với các đối tượng của sở hữu trí tuệ, xác định các hướng đi trong hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử và mua sắm chính phủ, thiết lập các nguyên tắc thống nhất về bảo vệ cạnh tranh, quy cách hóa các thủ tục hải quan. Bên cạnh đó, Đại sứ Konstantin Vnukov cũng hy vọng FTA Việt Nam- EAEU sẽ tăng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nga lên tới 10 tỷ USD đến năm 2020.
Theo Đại sứ Konstantin Vnukov, sắp tới, Việt Nam và Nga sẽ phối hợp tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Liên bang Nga: Cơ hội hợp tác thương mại ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu có hiệu lực” và “Hội thảo xúc tiến thương mại, đầu tư” tại Saint-Petersburg.
Đại sứ Armenia tại Việt Nam Raisan Vardanyan cho biết, Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam là một bước rất quan trọng hướng tới đối tác thương mại rộng lớn hơn trong khu vực giao dịch EAEU, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), ASEAN và EU, cũng như kết hợp tối ưu với các dự án Bắc-Nam và vành đai kinh tế Con đường tơ lụa. Từ thời điểm này, chúng ta phải nỗ lực gấp đôi trong việc thực hiện thành công của bản hiệp định. Điều đó có nghĩa là cần một sự cải cách cơ chế nội bộ, nguyên tắc hoạt động và đáp ứng kịp thời với những ưu tiên quan trọng như - giảm tệ quan liêu, số lượng giấy phép, và các văn bản khác. Hiển nhiên trong quá trình điều chỉnh có thể nảy sinh những phức tạp gắn liền với lợi ích của ban, ngành và phòng ban xã hội. Nhưng khuyến khích đầu tư và kinh doanh cùng có lợi, luân chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ và nguồn vốn phải là một ưu tiên tuyệt đối, và bất kỳ yếu tố nào cản trở quá trình này cần phải loại bỏ trong thời gian tới. Việc thực hiện thành công của Hiệp định sẽ phụ thuộc vào chất lượng công việc này.
Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Beketzhan Zhumakhanov cho biết, với tư cách là thành viên của EAEU, Kazakhstan vẫn đang nỗ lực để đẩy mạnh hợp tác thương mại và kinh tế với Việt Nam. Tuần trước, tôi đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam Nguyễn Ngọc Đông. Chúng tôi đã thảo luận các vấn đề hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải và logistics, cụ thể là tuyến đường sắt liên vận giữa hai nước. Liên quan tới FTA, vừa qua, Đại sứ quán Kazakhstan đã có đề xuất Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xem xét khả năng tổ chức vận chuyển hàng hóa quá cảnh từ Việt Nam sang các nước EAEU. Thời gian tới, sau khi 2 nước ký kết thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải, Kazakhstan sẵn sàng xem xét khả năng đàm phán 3 nước giữa lãnh đạo đường sắt Kazakhstan, Việt Nam và Trung Quốc về việc quả cảnh hàng hóa trao đổi giữa Việt Nam và các nước EAEU qua địa phận Trung Quốc.
Theo Đại sứ Belarus tại Việt Nam Vladimir Anatolievich Goshin, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do EAEU và Việt Nam đã mở ra những triển vọng mới cho sự phát triển quan hệ kinh tế-thương mại giữa các nước chúng ta. “Chúng tôi luôn coi Việt Nam như đòn bẩy để củng cố vị thế của mình tại các nước Đông - Nam Á và cùng với Việt Nam để hàng hóa sản xuất thâm nhập vào thị trường các nước lân cận trong đó có các nước ASEAN. Chúng ta đang có những điều kiện tốt nhất để thực hiện mục đích đó. Một Khu vực thương mại tự do với Việt Nam có ý nghĩa to lớn đối với chúng tôi và tôi thực sự hy vọng rằng, sự hợp tác giữa hai bên sẽ phát triển năng động và thu được nhiều kết quả”.