Bắt đầu từ người đứng đầu

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:06, 06/10/2016

(HNM) - Trong tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém”. Công tác tổ chức cán bộ vì thế rất quan trọng và đương nhiên rất khó.


Không thể phủ định những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong công tác tổ chức cán bộ trong những năm qua. Tuy nhiên, ở nơi này, nơi nọ vẫn còn dấu hiệu, tình trạng sử dụng "người thân” thay vì sử dụng "người tài", hay trong dư luận vẫn còn những nghi vấn về “chạy” công chức, “chạy” quyền chức. Không ít vụ việc đã được các cơ quan truyền thông đại chúng thông tin, nhưng do “chưa đủ bằng chứng” và đặc biệt là việc bổ nhiệm tuân thủ “đúng quy trình” nên chỉ "biết vậy" chứ không sửa được; dù rằng những vụ việc như vậy đã gây bức xúc dư luận, tác động tiêu cực đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Tinh giản biên chế và tái cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vì thế càng là đòi hỏi cấp thiết, nhằm chấn chỉnh những lệch lạc trong công tác cán bộ, xây dựng bộ máy đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập. Trước đòi hỏi đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TƯ về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Trong đó, Bộ Chính trị thẳng thắn chỉ rõ, công tác tinh giản biên chế vẫn còn những hạn chế, tổng số biên chế có xu hướng tăng, nhất là khu vực sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã. Công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức vẫn là khâu yếu… Những hạn chế, yếu kém nói trên chủ yếu do nguyên nhân chủ quan. Cụ thể, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chưa làm hết thẩm quyền, trách nhiệm, còn biểu hiện ngại va chạm, nể nang, thiếu nhất quán trong chỉ đạo, thực hiện.

Khi đã nhận diện được nguyên nhân, thì mục tiêu đến năm 2021 tinh giản tối thiểu 10% biên chế của bộ, ngành, cơ quan, đơn vị xem ra cũng không quá khó. Nhưng thực tế thì chưa hẳn vậy. Bởi lẽ, còn phụ thuộc vào vai trò, sự kiên quyết của người đứng đầu. Để giải quyết “nút thắt” này, Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Nếu địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị không thực hiện được tỷ lệ tinh giản biên chế theo kế hoạch đã được phê duyệt hằng năm thì phải xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu”.

Với vai trò “đầu tàu” của cả nước, Hà Nội đã bắt tay vào thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ, đạt những kết quả cụ thể. Ví như, sau khi ban hành Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng UBND thành phố, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã chỉ đạo sắp xếp, cắt giảm từ 12 phòng xuống còn 7 phòng, 22 phó trưởng phòng được chuyển xuống làm chuyên viên. Sau sắp xếp, công việc không những không bị ảnh hưởng mà tiến độ, chất lượng còn nâng lên, đặc biệt là về tinh thần, thái độ trách nhiệm.

HĐND thành phố cũng vừa tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2016. Thành phố đã sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của 22 sở, cơ quan ngang sở, giảm 46 phòng ban, 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng…

Dẫu vậy, như đã nói, công tác tổ chức, cán bộ rất khó và trên thực tế cũng nảy sinh không ít khó khăn, vướng mắc khách quan. Một số địa phương, sở, ngành, đơn vị cũng lúng túng, đặc biệt là trong xác định vị trí việc làm. Cũng dễ hiểu bởi chính việc tuyển người mà chưa rõ việc gây ra hiện tượng cán bộ đến cơ quan để “uống nước, trông bàn”. Khó nhưng không thể không làm. Thành phố đã vào cuộc, đã thực hiện và đạt kết quả rõ rệt. Chính quyền cơ sở, các sở, ngành, đơn vị không thể không vào cuộc với tinh thần quyết liệt. Nếu thực sự quyết tâm, thực hiện công việc trên tinh thần “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả), chắc chắn sẽ vượt qua được mọi khó khăn.

Mai Lâm