Nguy cơ bị mù mắt, tai biến do… nhổ răng

Sức khỏe - Ngày đăng : 10:23, 06/10/2016

Sau khi nhổ răng ở phòng khám đa khoa, anh C. phải chuyển viện cấp cứu. Sau một tháng thì bị mù mắt.


Anh Phạm Văn C. (sinh năm 1978, Bến Tre) bị đau nhức răng dẫn đến sưng hàm. Ngày 13-7, bệnh nhân đến một phòng khám tại Bến Tre và được bác sĩ ở đây cho nhổ răng, bán thêm ba ngày thuốc đem về nhà uống. Dù uống thuốc nhưng đau nhức vẫn không giảm, anh C. liên tục chạy chữa điều trị tại nhiều bệnh viện. “Khi đến BV Chợ Rẫy, TP.HCM khám, bác sĩ ở đây nói tôi bị nhiễm trùng huyết sau nhổ răng, bị đứt dây thần kinh số 3 và số 7. Do đó giờ mắt trái bị mù vĩnh viễn” - anh C. cho biết.


Mù mắt sau nhổ răng

Anh C. khiếu nại về trách nhiệm của phòng khám và hiện mọi việc vẫn đang được Sở Y tế tỉnh Bến Tre xem xét giải quyết. Từ một lao động chính, chỉ vì nhổ răng mà giờ anh C. trở thành người khuyết tật, phải nhờ vào sự giúp đỡ của gia đình để trang trải cuộc sống.

Trường hợp bệnh nhân nhổ răng ở phòng khám không chất lượng hoặc gặp biến chứng sau nhổ răng không phải là câu chuyện ít gặp.

Theo BS Đinh Thế Long (Nha khoa Long Thanh, quận 10, TP.HCM), phòng khám của ông thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân tự ý nhổ răng ở nhà, khi gặp rắc rối phải chạy đến bác sĩ nhờ trợ giúp.

Gần đây nhất là trường hợp bé Bùi Võ Thế Minh (bảy tuổi). Theo người nhà kể lại, cách đó một tuần, bé Minh nói với bà nội chiếc răng hàm trên lung lay, sắp rớt ra. Theo cách tự nhổ răng dân gian, bà nội bé Minh cột sợi chỉ vào răng bị lung lay, nói chuyện vui cười để bé quên đi rồi giật chiếc răng ra khỏi hàm. Những tưởng mọi chuyện bình thường, tuy nhiên ngay tối hôm đó bé lên cơn sốt... Gia đình đưa bé qua phòng khám và được xác định nguyên nhân là do nhổ răng. Bởi thời điểm nhổ răng bé Minh có sức khỏe yếu, vừa ốm dậy. Bản thân không đủ sức khỏe chống chọi với sự đau đớn sau khi răng được lấy ra khỏi hàm.

“Tình trạng của bé rất may được phát hiện và đưa đi bệnh viện sớm, nếu không rất dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm” - BS Long cho biết.

Chữa răng - đừng chủ quan

Nhiều bác sĩ, nha sĩ nhận định về mặt chuyên khoa, nhổ răng, trám răng, đánh bóng răng hay bất kỳ một thủ thuật nào liên quan đến răng cũng có khả năng dẫn đến tai biến. Nhiều người nghĩ nhổ răng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Đó là một nhận định sai lầm, vì nhổ răng có hàng trăm biến chứng kèm theo do hàm, răng, miệng liên quan đến rất nhiều dây thần kinh chi phối sức khỏe, thậm chí hoạt động của não.

Theo BS Huỳnh Thị Bích Dương, BV Răng Hàm Mặt TP.HCM, trước khi nhổ răng, bác sĩ cần chú ý nhiều đến tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Trong nhổ răng bệnh nhân có thể gặp nhiều biến chứng như chảy máu kéo dài do răng đã nhổ ở vị trí trên nên u máu xương hàm, do vết thương bị rách hoặc chăm sóc răng sau nhổ không đúng cách. Triệu chứng này có thể khiến cơ thể mất máu nhiều gây choáng váng, mệt mỏi hay ngất xỉu…

Việc nhổ răng tại nhà khi không có các biện pháp vô trùng, nhổ răng tại các cơ sở chưa được cấp phép có thể khiến bệnh nhân bị nhiễm khuẩn sau nhổ răng. Biểu hiện là những cơn đau dữ dội và có thể kéo dài đến 2-3 tuần. Nếu không kịp thời khám chữa có thể làm nhiễm trùng lan rộng, nguy hiểm nhất là gây nhiễm trùng máu. Đôi khi nhiễm trùng lan rộng ra các mô lân cận gây sốt, đau nhức, trong chuyên môn gọi là viêm mô tế bào. Biến chứng nguy hiểm nhất của viêm mô tế bào là nhiễm trùng máu, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

BS Dương lưu ý để tránh xảy ra những biến chứng trong nhổ răng đáng tiếc xảy ra, người nhà và bệnh nhân không nên tự ý nhổ răng tại nhà. Đặc biệt, khi có ý định nhổ răng, phải trình bày trước cho bác sĩ về tình hình sức khỏe nếu vừa ốm dậy. Đối với phụ nữ vào thời kỳ “đèn đỏ”, phụ nữ đang mang thai, người mắc các bệnh về tim, phổi, tiểu đường, dị ứng... cần kiểm tra kỹ trước khi nhổ răng và làm các thủ thuật liên quan đến răng miệng.

“Một bệnh nhân không nên nhổ liên tục nhiều răng một lúc, tránh gây mất máu quá nhiều và đau toàn bộ hàm. Nhiều tai biến xảy ra trong nhổ răng có thể phụ thuộc vào cơ địa và bệnh lý của mỗi người. Vì thế để đảm bảo an toàn sức khỏe, thẩm mỹ, tính mạng, tốt nhất bệnh nhân cần có sự theo dõi và chỉ dẫn của bác sĩ nha khoa” - bác sĩ Dương khuyến cáo.

Tai biến từ thuốc tê

BS Huỳnh Thị Bích Dương, BV Răng Hàm Mặt TP.HCM, cho biết dùng thuốc tê không đúng có thể gây nhiễm độc tim, có thể dẫn tới tử vong. Biến chứng này có thể xảy ra một cách đột ngột với bất kỳ loại thuốc gây tê nào. Thông thường loại thuốc gây nhiễm độc nhẹ là Xylocain. Nhiễm độc nặng nhất khi sử dụng thuốc tê mạnh như Etidocain, Bupivacain… Biến chứng nhiễm độc là do gia tăng đột ngột nồng độ thuốc tê trong máu, một số trường hợp có thể do hấp thu thuốc nhanh vào máu bất thường vì sử dụng nồng độ thuốc cao hoặc sử dụng thuốc với số lượng lớn. Nhiễm độc thuốc tê tác động ở mức thần kinh trung ương và ở tim. Có tác động làm giảm co bóp cơ tim.

Ngày 30-9, ông Lê Thành Huấn, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Bến Tre, cho biết Thanh tra Sở Y tế đã nhận được đơn khiếu nại của anh C. về việc nhổ răng bị mù mắt. Ông Huấn cho hay Thanh tra Sở đã giao cho các đơn vị liên quan tìm hiểu, hòa giải. Nếu hòa giải không thành sẽ tiếp tục xử lý các bước theo quy định.

Theo PLO