Cuộc sống mới trên quê hương cách mạng

Đời sống - Ngày đăng : 07:19, 06/10/2016

(HNM) - Trong dòng chảy lịch sử, Mỹ Đức tự hào đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, được Xứ ủy Bắc Kỳ chọn làm An toàn khu; là địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào làm thủy lợi và hưởng ứng mạnh mẽ phong trào “Gió Đại Phong, cờ Ba Nhất”.

Diện mạo huyện Mỹ Đức ngày nay đang có nhiều đổi thay. Ảnh: Thái Hiền


Giờ đây, trên quê hương cách mạng đang vang vọng những âm thanh của cuộc sống mới, Đảng bộ huyện Mỹ Đức quyết tâm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển xã hội giàu mạnh.

Năm 1956, với khẩu hiệu “Nghiêng sông đổ nước vào đồng”, huyện Mỹ Đức đã trở thành một điển hình trong phong trào chống hạn, hàng nghìn mẫu lúa được cấy trong khung thời vụ tốt nhất, và ngày 7-2-1956 Bác Hồ đã gửi thư khen. Nghe lời Bác dạy, mọi người, mọi nhà hăng hái thi đua lao động, sản xuất. Nhờ vậy, trên 20.000 mẫu lúa chiêm năm đó được cấy đúng thời vụ, được chăm bón đầy đủ, “để vụ chiêm này thu được tốt hơn”, như Bác mong muốn. Đặc biệt, ngày 7-10-1961, Đảng bộ và nhân dân huyện Mỹ Đức được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, nói chuyện và giảng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Trung ương Đảng (khóa III) về phát triển nông nghiệp toàn diện cho trên 7.000 nhân dân xã Đại Nghĩa và các xã xung quanh.

55 năm đã trôi qua, hình ảnh gần gũi, thân thương khi Bác Hồ về thăm vẫn in đậm trong tâm trí người dân nơi đây. Lời dặn của Người: “Các cán bộ tỉnh, huyện phải đi sâu xuống hợp tác xã, giúp đỡ các hợp tác xã tiến bộ… Chi bộ phải tăng cường hơn nữa việc đoàn kết nông thôn và làm cho toàn thể xã viên, toàn thể nông dân phấn khởi, hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển và củng cố hợp tác xã…” trở thành động lực để cán bộ, nhân dân vượt khó, xây dựng, phát triển địa phương. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã quyết định lựa chọn những lĩnh vực khó khăn, phức tạp, yêu cầu thực tiễn đòi hỏi cần phải giải quyết như công tác quản lý đất đai, môi trường, xây dựng nông thôn mới… để lãnh đạo thực hiện.

Vừa đổi mới tác phong làm việc theo hướng khoa học, thiết thực, sâu sát cơ sở, gần gũi với nhân dân, vừa phân công rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân gắn với kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện. Cách này đã tăng tính chủ động của các cấp, ngành và cơ sở trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị. Nhờ đó, giá trị sản xuất của huyện tăng bình quân hằng năm 8%; tổng giá trị sản xuất đạt hơn 6.267 tỷ đồng (năm 2015); thu nhập bình quân đạt 23 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (nông, lâm nghiệp đạt 34,1%; tiểu thủ công nghiệp - xây dựng 28,8%; thương mại - dịch vụ - du lịch 37,1%). Huyện đã dồn ô đổi thửa được hơn 7.000ha (đạt 99,63% chỉ tiêu), đẩy mạnh chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đưa các giống cây, con có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế vào sản xuất. Công tác thủy lợi được quan tâm đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp.

Thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU ngày 29-8-2011 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015”, toàn huyện dấy lên phong trào thi đua sôi nổi, huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhân dân đã tự nguyện hiến gần 420.000m2 đất thổ cư và đất nông nghiệp, ủng hộ tiền để xây dựng các công trình giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng và các công trình phúc lợi với tổng số tiền lên đến gần 1,5 tỷ đồng. Toàn huyện có 5 xã: Phùng Xá, Đại Hưng, Đốc Tín, Hợp Thanh, Hương Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Trên quê hương cách mạng đang vang vọng những âm thanh của cuộc sống mới. Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Mỹ Đức quyết tâm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ - du lịch, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; phát triển nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao. Hai khâu đột phá: “Nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ, phục vụ nhân dân” và “Tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi chiếm tỷ trọng chủ yếu trong kinh tế nông nghiệp” đang được Đảng bộ huyện triển khai thực hiện. Đi đôi với phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện hết sức chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, tạo sự đồng thuận trong xã hội, xây dựng huyện Mỹ Đức giàu mạnh, văn minh. 

Hiền Phương