Nghĩa cử đẹp thể hiện tình yêu Hà Nội
Văn hóa - Ngày đăng : 07:04, 07/10/2016
Trong đợt vận động hiến tặng này, BTHN nhận được hơn 400 tài liệu, hiện vật ở nhiều thể loại, chất liệu, thể hiện chiều sâu lịch sử, bản sắc văn hóa, con người Hà Nội. Nổi bật là các hiện vật gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười do bà Vũ Nguyễn Ngọc Chi (Cục Di sản văn hóa) được gia đình nguyên Tổng Bí thư ủy quyền bàn giao cho BTHN; là các hiện vật, tài liệu về cầu Long Biên huyền thoại; là chiếc xà beng dùng để khởi công xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông Nguyễn Đình Kỳ - nguyên Đảng ủy viên Thường trực Đảng ủy công trường xây dựng Lăng Bác, hiện trú tại phố Khương Trung (phường Khương Trung, Đống Đa) gìn giữ hàng chục năm qua. Đặc biệt hơn, nhiều hiện vật khảo cổ khai quật ở chùa Tó (Thường Tín), đền - chùa Bà Tấm (Gia Lâm), nút giao thông đường Bưởi - Hoàng Quốc Việt… cũng được các tổ chức bàn giao, trao tặng cho BTHN bảo quản, trưng bày.
Khó có thể diễn tả đầy đủ cảm xúc của những người đã hiến tặng tài liệu, hiện vật cho BTHN. Họ, mỗi người một lý do riêng nhưng đều chung mục đích làm giàu cho lịch sử, văn hóa Hà Nội. Như họa sĩ Phùng Dzi Thuần, số nhà 189A, phố Khâm Thiên (Đống Đa) cho biết, ba bức tranh sơn dầu ông hiến tặng BTHN dịp này đều gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của Thủ đô và đất nước. Trong tác phẩm “Hà Nội mùa đông năm 1946”, “Người quyết tử quân”, ông đã phác họa không khí chiến đấu sục sôi, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ quê hương, đất nước của lớp lớp quân dân Thủ đô những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Chín năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), hình ảnh đoàn quân mang theo niềm tin chiến thắng rời Thủ đô, ra chiến trường chiến đấu cũng được ông mô tả chân thực trong tác phẩm “Sẽ trở về giải phóng Thủ đô”. “Tôi tặng những “đứa con” tinh thần cho BTHN với mong muốn các tác phẩm của mình được nhiều người biết đến, qua đó góp phần truyền cảm hứng, tình yêu quê hương, đất nước, yêu lao động, yêu hòa bình đến thế hệ trẻ”, họa sĩ Phùng Dzi Thuần bày tỏ.
Trong khi đó, nhiều năm qua, ông Hoàng Thảo, thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh) dày công gìn giữ, sưu tập các nông cụ của nông dân vùng ngoại thành thời bao cấp và coi chúng như báu vật. Vậy mà, biết thông tin TP Hà Nội vận động hiến tặng hiện vật, ông tự nguyện mang báu vật của mình hiến tặng cho BTHN.
Giám đốc BTHN Nguyễn Tiến Đà cho biết: “Mỗi đợt phát động hiến tặng tài liệu, hiện vật là một lần chúng tôi bất ngờ. Bất ngờ về số lượng hiện vật hiến tặng nhiều hơn dự kiến. Bất ngờ khi thấy đa số người dân Hà Nội cũng như người dân cả nước luôn yêu và có trách nhiệm với Hà Nội. Khi có cơ hội, họ sẽ thể hiện tình yêu và trách nhiệm ấy bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có việc hiến tặng tài liệu, hiện vật cho BTHN”.
Theo kế hoạch, 150 tài liệu, hiện vật tiêu biểu trên tổng số hơn 400 tài liệu, hiện vật do các tổ chức, cá nhân hiến tặng sẽ được BTHN trưng bày tại tầng 1 của BTHN, đường Phạm Hùng (Nam Từ Liêm) từ ngày 10-10 đến cuối năm 2016 phục vụ khách tham quan. Sau đó, nguồn tài liệu, hiện vật này sẽ được lựa chọn sử dụng trong các cuộc trưng bày chuyên đề.